Hàn Quốc đã giành được những ngợi khen từ cộng đồng quốc tế như một mô hình thành công trong ngăn chặn dịch COVID-19. Sử dụng những phương pháp tiếp cận có hệ thống với hoạt động xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc, cách ly và kiểm dịch, trong suốt đại dịch Hàn Quốc đã duy trì được tỷ lệ lây nhiễm rất thấp. Tính trên dân số, Hàn Quốc chỉ hứng chịu tỷ lệ lây nhiễm 1.679 ca/1 triệu dân, trong khi ở Mỹ là 85.853 ca/1 triệu dân; Anh là 59.948 và Đức là 28.256 ca/1 triệu dân.
Nhưng trái với thành công trong ngăn chặn lây nhiễm, Hàn Quốc lại chậm trễ đáng kể trong việc triển khai vaccine ngừa COVID-19. Trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa một công dân Hàn Quốc nào được chủng ngừa, trong khi tại Mỹ có 41 triệu người và tại Anh 16 triệu người đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Chương trình tiêm chủng của Hàn Quốc được lên kế hoạch đến 26/2 mới bắt đầu.
Trong những tuần gần đây, áp lực ngày càng tăng từ công chúng đã thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc theo bước nhiều quốc gia khác và hoàn tất các hợp đồng nhập khẩu vaccine. Những hợp đồng này được ký từ cuối tháng 1 và qua, với một số công ty, bao gồm Pfizer và Moderna, nhằm đảm bảo đủ vaccine cho mọi công dân Hàn Quốc.
Nhưng bất chấp tiến độ đó, nhiều người vẫn băn khoăn: tại sao chính phủ của họ đã phải chờ đợi lâu đến vậy?
Ưu tiên sản xuất vaccine trong nước
Có vẻ như việc chuyển sang nhập khẩu vaccine đã báo hiệu một sự thay đổi chiến lược quan trọng, một thay đổi mà chính phủ thậm chí từng miễn cưỡng thực hiện. Lý do là giới chức Seoul ban đầu muốn dành ưu tiên cho sản xuất vaccine trong nước.
Trong cả thập kỷ trước đại dịch, Hàn Quốc đã chứng kiến một cuộc bùng nổ về sản xuất dược phẩm và cung ứng y tế. Các loại thuốc generic (thuốc chứa dược chất như thuốc phát minh gốc) đặc biệt phổ biến, với nhiều hợp đồng xuất khẩu giá trị tới cả Mỹ và Liên minh châu Âu. Kể từ năm 2014, giá trị xuất khẩu dược và thiết bị y tế của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi, từ 2,4 tỉ USD lên 4,8 tỉ USD vào năm 2019.
Chính ngành công nghiệp nội địa này đã cho phép Hàn Quốc giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu khẩu trang y tế trong giai đoạn bùng dịch mùa Xuân năm 2020. Khi đó, chính phủ đã điều phối các nhà sản xuất trong nước nhằm cung cấp khẩu trang cho toàn quốc chỉ trong vài tuần.
Cùng với sự tự tin ngày càng cao vào năng lực kiềm chế sự lây lan của virus, chính phủ Hàn Quốc, từ mùa Hè 2002, đã khởi xướng một chiến dịch táo bạo nhằm kết nối các nhà sản xuất dược nội địa với các công ty vaccine nước ngoài, củng cố các thỏa thuận cấp phép cho sản xuất vaccine trong nước.
Vào tháng 7/2020, SK-Biosciences của Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận với AstraZeneca (Anh). Tháng 8, một thỏa thuận tương tự đạt được với Novavax.
Bên cạnh việc cấp phép vaccine nước ngoài, chính phủ Hàn Quốc cũng ưu tiên khuyến khích sáng chế trong nước. Nhưng không may, những nỗ lực này đã bị bỏ lại phía sau các đối thủ nước ngoài, dấy lên nghi ngờ rằng vaccine do Hàn Quốc bào chế khó có thể sẵn sàng trong năm 2021.
Lợi thế của vaccine nội địa
Cho dù thông qua sản xuất nhượng quyền của nước ngoài hay hoàn toàn nội địa, sản xuất vaccine ở trong nước mang đến nhiều lợi thế quan trọng. Trước hết là quản lý chất lượng. Các quốc gia như Anh, vốn đang nhập khẩu vaccine từ nước ngoài, hầu như không có thẩm quyền giám sát quá trình sản xuất. Điều đó khiến họ buộc phải lệ thuộc và các tiêu chuẩn an toàn được thiết lập ở quốc gia khác.
Thứ hai là vấn đề trách nhiệm pháp lý. Vương quốc Anh đã gây tranh cãi khi trở thành quốc gia đầu tiên trao cho Pfizer quyền bảo vệ miễn trừ pháp lý, giúp công ty tránh khỏi các vụ kiện từ bệnh nhân tại Anh trong trường hợp xảy ra biến chứng y tế bất ngờ.
Mặc dù vaccine của Pfizer cho đến nay vẫn an toàn, nhưng luôn có xác suất xảy ra tác dụng phụ lâu dài chưa được tính đến. Việc trao quyền miễn trừ sẽ khiến công dân không được bảo vệ trong trường hợp họ hứng chịu hậu quả tiêu cực. Đây là điều mà Chính phủ Hàn Quốc muốn tránh.
Lợi thế thứ ba là tính khả dụng được nâng cao. Nếu một quốc gia có thể sản xuất vaccine theo giấy phép của Pfizer hoặc Moderna thì họ có thể tiêm chủng đại trà nhanh hơn nhiều so với việc cạnh tranh với nước khác để có được nguồn cung.
Giá cả cũng là một lĩnh vực mà sản xuất trong nước có lợi thế. Chính phủ luôn có đòn bẩy lớn hơn để đàm phán các điều khoản có lợi với các công ty trong nước, thay vì các tập đoàn nước ngoài.
Cuối cùng, sản xuất trong nước còn đi kèm với phần thưởng là các công ty có thể xuất khẩu vaccine khi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng.
Với những lợi thế đó, những nỗ lực của Hàn Quốc trong suốt mùa Hè 2020 dường như chỉ ra mong muốn ưu tiên hướng tiếp cận nội địa.
Tại sao Hàn Quốc đột ngột thay đổi chiến lược?
Trong tuần đầu tiên của tháng 11/2020, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 120 ca nhiễm mới/ngày. Nhiều nhà quan sát từng bị ru ngủ bởi ấn tượng rằng thành tích đó có thể giúp duy trì tình hình ổn định trong suốt mùa Đông. Và nếu điều này là đúng, Hàn Quốc có thể tránh được nhu cầu nhập khẩu vaccine hoàn toàn.
Nhưng không may, vào tháng 12/2020 và tháng 1/2021, Hàn Quốc đã chứng kiến sự tăng vọt ca nhiễm mới, lên mức trên 1.240 ca/ngày. Mặc dù con số đó vẫn thấp hơn nhiều các nước khác, nhưng vẫn khiến cộng đồng hoảng sợ, buộc chính phủ phải đánh giá lại quan điểm về vaccine. Những lời chỉ trích từ truyền thông đối lập càng làm tăng thêm áp lực, thậm chí đã khiến Thủ tướng Hàn Quốc phải đưa ra lời xin lỗi chính thức.
Trong tương lai, có vẻ như chương trình tiêm chủng của Hàn Quốc sẽ bao gồm cả hàng nhập khẩu và các sản phẩm nội địa. Tuần trước, công ty Moderna vừa bắt đầu đàm phán đầu tư vào một nhà máy sản xuất vaccine trị giá 200 triệu USD ở Seoul, một lần nữa nhấn mạnh vị trí thuận lợi của Hàn Quốc với tư cách là một nhà sản xuất dược phẩm có uy tín.