Vì sao IS đe dọa khai tử giải pháp 2 nhà nước?

Khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng lớn mạnh, kiểm soát thêm nhiều lãnh thổ, tập hợp được đông đảo quân số và tài chính, thì lực lượng này không chỉ là mối đe dọa đối với Mỹ và Phương Tây mà ngay tại Trung Đông, IS sẽ trở thành rào cản trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Triển vọng về giải pháp hai nhà nước dường như không còn tươi sáng một khi IS trỗi dậy.

Chủ nghĩa khủng bố và các nhóm khủng bố luôn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với bất kỳ thỏa thuận bền vững nào giữa Israel và Palestine. Không giống như Hamas và Hezbollah, những phong trào Hồi giáo theo đuổi khát vọng dân tộc chủ nghĩa cho Palestine vàLiban, IS về cơ bản bị đánh giá theo đuổi đường lối thánh chiến Hồi giáo của nhánh Salafi/Jihadi và vì thế chúng cực đoan hơn. Xuất phát từ tư tưởng này, IS đã tự giải phóng khỏi những ràng buộc như việc nghiêm cấm sát hại và tra tấn những người đồng đạo Hồi giáo, các cộng đồng sắc tộc thiểu số và phụ nữ, trẻ em.     

IS ngăn cản giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel-Palestine.

 
Các cuộc khủng hoảng, nổi dậy và chiến tranh thường tạo ra những thay đổi lớn trong quan hệ giữa Israel và thế giới Arập. Cuộc chiến năm 1973 đã mở đường cho chuyến thăm lịch của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat tới Israel, phong trào nổi dậy (Intifada) lần thứ nhất của người Palestine dẫn tới Hiệp ước Oslo mang tính đột phá, hay cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất dẫn tới Hội nghị Hòa bình Madrid. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng có thể gây đổ vỡ, chia cắt. Sự điên cuồng hiện nay của IS có thể khiến Mỹ và nhiều nước khác tích cực hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, song cũng không loại trừ khả năng gây tác động tiêu cực tới giải pháp hai nhà nước trong tiến trình hòa bình Israel – Palestine.
    
Mặt trận phía Đông

Luôn tồn tại những bất đồng lớn giữa người Israel và người Palestine về vấn đề các đường biên giới phía Đông của một Nhà nước Palestine trong tương lai. Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ chỉ khiến khoảng cách này lớn hơn nữa. Chính sự có mặt của Mặt trận al-Nusra (một nhánh của tổ chức khủng bố al Qaeda) tại phần Cao nguyên Golan do Syria kiểm soát và Phái bộ giám sát ngừng bắn giữa Israel và Syria trên Cao nguyên Golan (UNDOF) đã báo hiệu trước kịch bản này.

Và nay vấn đề càng phức tạp hơn với sự xuất hiện của IS. Israel giờ đây quan ngại trước nguy cơ các nhóm IS có mặt tại Bờ Tây và Cao nguyên Golan. IS vô hình trung đã trở thành rào cản cho một thỏa thuận về Bờ Tây, mà theo đó Israel sẽ rút quân. IS nhanh chóng chiếm một phần rộng lớn lãnh thổ Iraq, và điều ra sẽ xảy ra một khi lực lượng cực đoan này giành quyền kiểm soát miền Đông Bắc Syria? Rõ ràng, Israel không khó để nhận ra rằng nước này cần tiếp tục duy trì sự hiện diện như hiện nay tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Mỹ cần Israel trong cuộc chiến chống IS?

Giới phân tích nhận định sẽ thật ngây thơ nếu cho rằng Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gây sức ép buộc Israel phải thúc đẩy tiến trình hòa bình với Palestine trong bối cảnh hiện nay, sau khi IS chặt đầu hai nhà báo Mỹ và giết hại hàng ngàn người. Vào lúc này, Washington rất cần tới đồng minh trong cuộc chiến chống IS mà người đứng đầu Nhà Trằng vừa chính thức phát động ngày 10/9 (theo giờ Mỹ), Washington cần một đồng minh như Israel để ngăn chặn sự lớn mạnh của IS. Như vậy, khó có thể hình dung được kịch bản Mỹ sẽ xích mích với Israel trong vấn đề các khu định cư Do Thái hay điều gì khác liên quan tới tiến trình hòa bình Trung Đông. Giờ là lúc Mỹ cần ve vãn đồng minh quan trọng này. Với việc Mặt trận al-Nusra đang án ngữ ở Cao nguyên Golan và IS hoành hành ở Iraq, gần như không có khả năng Mỹ gây sức ép yêu cầu Israel rút quân hay nhượng bộ trong cuộc xung đột với Palestine.

IS làm thay đổi các ưu tiên của thế giới Arập
    
IS cũng đang góp phần định hình lại những ưu tiên của thế giới Arập, đặc biệt tại Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Ai Cập và Jordan. Điều này không có nghĩa là các nước Arập sẵn sàng chung chiến tuyến với Israel, song việc thế giới Arập gần như im lặng trước cuộc chiến mới đây của Israel tại Gaza cho thấy các ưu tiên của người Arập đang thay đổi. Có vẻ các nước Arập hiện nay coi IS là mối đe dọa nghiêm trọng hơn và trực diện hơn so với Israel. Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến chung chống IS sẽ định hình lại khu vực này và đưa người Israel, người Arập và Mỹ xích lại gần nhau hơn, đồng nghĩa với việc sức ép trên vai Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong tiến trình hòa bình với Palestine sẽ giảm đi.

Giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine có lẽ sẽ đối mặt với nhiều trở ngại hơn nữa vì các bên liên quan giờ đây phải tập trung vào ưu tiên lớn hơn – đó chính là cuộc chiến chống IS. Giải pháp 2 nhà nước, vốn đã gặp quá nhiều trắc trở trước khi IS xuất hiện và gây bao nỗi kinh hoàng ở Syria-Iraq, nay sẽ còn khó khăn hơn bội phần. Người Palestine tất nhiên sẽ thiệt thòi nhiều nhất và giấc mơ về một Nhà nước Palestine của riêng mình có lẽ vẫn còn rất xa vời.


Bảo Thư (Theo AFP/foreignpolicy.com)

Nguy cơ tái diễn xung đột Israel - Hamas
Nguy cơ tái diễn xung đột Israel - Hamas

Hai tuần sau khi chiến sự chấm dứt, việc tái thiết Dải Gaza hay nối lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Chính quyền Palestine (PA) đều không đạt được bất kỳ tiến triển nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN