Trong thời gian dài từ cuối năm 2010 đến giữa năm 2014, giá dầu luôn dao động từ mức 100 đến 200 USD/thùng và các nền kinh tế phương Tây, ít phụ thuộc vào dầu mỏ, đã quen với tình trạng này.
Tuy nhiên, từ 6 tháng nay, tình hình đã thay đổi: giá dầu giảm 30% xuống còn dưới 80USD/thùng. Hội nghị thượng đỉnh của các thành viên OPEC nhóm họp vào ngày 27/11 đánh dấu sự đoạn tuyệt với cách làm việc theo kiểu đồng thuận thường thấy giữa các nước thành viên. Chắc chắn sẽ không có quyết định gì lớn nếu phân tích những tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali Al-Naimi, một người rất có ảnh hưởng trong OPEC, cho rằng cần phải chờ đợi thêm để “thị trường tự ổn định trong dài hạn”.
Tuy nhiên, OPEC nắm trong tay sức mạnh của thị trường. Olivier Appert - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dầu mỏ và Năng lượng thay thế (IFPEN) - nhận định: “Lịch sử cho thấy khi OPEC đưa ra một quyết định cứng rắn và đáng tin cậy, tức là xem xét lại hạn mức sản suất, giá dầu sẽ tăng”.
Bộ trưởng Dầu lửa Saudi Ali al-Naimi trong cuộc họp báo trước Hội nghị của OPEC ở Vienna ngày 27/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hiện nay, các nước OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia, đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các nước đứng ngoài. Là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Nga không có ý định cắt giảm sản lượng. Họ cho rằng giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng trước hết tới các nước có chi phí khai thác dầu cao, nhất là Mỹ. Hiện tại, giá dầu thấp đã tác động rất mạnh tới nguồn thu ngân sách của Moskva. Tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft vừa qua tuyên bố cắt giảm sản lượng 25.000 thùng/ngày, mức rất nhỏ so với 4,1 triệu thùng mà họ sản xuất mỗi ngày. Nước Mỹ với sản lượng khoảng 9 triệu thùng/ngày, tiệm cận mức của Nga và Saudi Arabia, cũng chưa hề có ý định giảm bớt sản lượng khai thác dầu từ đá phiến tại Texas và Dakota, yếu tố tăng cường an ninh năng lượng cho họ.