Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Lào tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần cuối cùng với tư cách là tổng thống Mỹ. Mặc dù đôi khi thất vọng với ASEAN nhưng Mỹ vẫn đạt được lợi ích chiến lược và chính sách đối ngoại từ việc kết nối với khối này. Chính quyền của ông Obama đã khéo léo cải thiện quan hệ ngoại giao với tất cả các nước ASEAN, bao gồm cả quốc gia có nhiều tranh cãi như Myanmar. Sự kiện Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Daw Aung San Suu Kyi sẽ thăm Mỹ vào giữa tháng 9 này đánh dấu lần đầu tiên trong gần một thế kỷ, Mỹ có quan hệ ngoại giao đầy đủ với tất cả các thành viên ASEAN. Lần đến Viêng Chăn (Lào) lần này cũng đã đưa ông Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm tất cả các nước ASEAN trong nhiệm kỳ của mình.
Tổng thống Obama nhấn mạnh lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quan hệ với Cộng đồng ASEAN ngày nay không chỉ đơn thuần là vấn đề chính trị hay chiến lược và nếu chỉ nhìn vào vấn đề Biển Đông hay cạnh tranh với Trung Quốc thì quá đơn giản và thiếu sót. Về kinh tế, sức mạnh gộp lại của 10 quốc gia ASEAN hiện là 2.500 tỷ USD, đứng thứ 3 châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản). ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, thu nhập bình quân đầu người của ASEAN lớn gấp hai lần so với Ấn Độ. Tiềm năng phát triển của ASEAN trong tương lai là rất triển vọng với cơ cấu dân số trẻ, trái ngược với lực lượng lao động đang ngày càng già đi ở khu vực Bắc Á. Bên cạnh đó, 4 thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Thái Lan, Philippines và Indonesia cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia.
ASEAN vẫn có quan hệ thương mại lớn với Mỹ dù chưa tính đến yếu tố TPP. Thương mại song phương giữa ASEAN và Mỹ đạt gần 100 tỷ USD. ASEAN hiện được xếp trong số các thị trường có quan hệ thương mại cao với Mỹ trong những năm gần đây. 21 bang ở Mỹ đã xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN với trị giá ít nhất 1 tỷ USD. Hiện tại 560.000 việc làm, tương đương 7% tổng việc làm tại Mỹ, có được từ các hoạt động hỗ trợ thương mại với ASEAN. Cổ phiếu đầu tư của Mỹ tại ASEAN là khoảng 200 tỷ USD, cao hơn tổng đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand và hai vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan cộng lại. Trong khi đó, đầu tư của các nước ASEAN vào Mỹ đạt gần 30 tỷ USD, tăng 1.400 lần trong thập kỷ qua. Điển hình như Tập đoàn Genting của Malaysia hoạt động trong lĩnh vực vui chơi giải trí đã đầu tư tại Mỹ và tạo ra 1.300 việc làm. Hợp tác du lịch ASEAN - Mỹ đang phát triển tốt với hơn 3 triệu du khách Mỹ tới thăm ASEAN hàng năm và các du khách từ ASEAN chi khoảng 4 tỷ USD/năm ở Mỹ.
Về con người, một yếu tố thường bị đánh giá thấp hơn trong quan hệ ASEAN - Mỹ, trong tổng số 17 triệu người Mỹ gốc Á thì có 6 triệu người đến từ các nước ASEAN, tương đương 36%. Tại 18 bang của Mỹ có khoảng hơn 40% người Mỹ gốc Á là người thuộc khu vực ASEAN. Cộng đồng người Mỹ gốc ASEAN trong tương lai gần sẽ "đóng góp" khoảng 11% số cử tri Mỹ. ASEAN và Mỹ cũng đang xích lại gần nhau hơn thông qua các thành phố, bang kết nghĩa.
Về giáo dục, số lượng du học sinh ASEAN tại Mỹ đã tăng 30% trong thập kỷ qua và đóng góp khoảng 1,4 tỷ USD cho kinh tế Mỹ. Năm 2015, có khoảng 50.000 du học sinh ASEAN tại Mỹ, trong đó số lượng du học sinh Việt Nam đứng thứ 8 còn Indonesia và Thái Lan đứng thứ 25. Sáng kiến Những nhà Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Tổng thống Obama là một nỗ lực lớn nhằm kết nối các thế hệ chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nhân Đông Nam Á với các thế hệ tiếp theo của Mỹ để chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai.
Ông Satu Limaye kết luận, có thể nói việc tăng cường quan hệ song phương ASEAN - Mỹ cũng như giữa Mỹ với 10 nước ASEAN là điều quan trọng. Hơn nữa, cách ASEAN và Mỹ kết nối và hành động hiệu quả như hiện nay là rất đáng lạc quan. Trong thực tế, một nhóm quốc gia đa dạng như ASEAN, mặc dù có “cái bóng” của Trung Quốc, nhưng việc duy trì quan hệ chặt chẽ và lâu dài với Mỹ là lợi ích cần tiếp tục được nuôi dưỡng.