Trump sớm rời Hội nghị tại Quebe để lên đường tới dự cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Singapore. Ảnh: Getty |
Hội nghị thượng đỉnh 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italy diễn ra tại Quebec, Canada từ ngày 8-9/6 theo giờ địa phương, và gần như toàn bộ sân khấu đã bị bao trùm bởi cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh.
Hàng năm, các nhà lãnh đạo G7 hội tụ cùng nhau để thảo luận hợp tác những vấn đề quan trọng như an ninh toàn cầu, kinh tế quốc tế hay biến đổi khí hậu. Cuối cuộc gặp, họ sẽ ký tuyên bố chung nêu chi tiết các quan điểm chính sách và những sáng kiến mà họ đạt được nhất trí.
Nhưng Hội nghị G7 năm nay đã kết thúc với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Tuyên bố chung kèm theo cáo buộc lãnh đạo nước chủ nhà Canada “thiếu trung thực và yếu ớt”. Trên đường tới Singapore sau khi rời Quebec sớm hơn kế hoạch 4 tiếng đồng hồ, Tổng thống Trump viết trên trang Twitter cá nhân: "Dựa trên những tuyên bố sai trái của Justin tại cuộc họp báo của ông ấy, và thực tế là Canada đang áp đặt hàng loạt loại thuế lên các nông dân, công nhân và doanh nghiệp của chúng tôi, tôi đã chỉ đạo các đại diện Mỹ không tán thành tuyên bố chung". Đáp lại, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ xúc tiến các trả đũa thuế quan vào ngày 1/7. “Người Canada lịch sự và biết lý lẽ, nhưng chúng tôi cũng không thể để bị xoay vòng được” – ông Trudeau nói.
Một kết cục căng thẳng như vậy đã được dự báo từ trước. Lý do là Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị "tấn công" dồn dập bởi các thành viên khác của G7 xung quanh lệnh tăng mạnh thuế nhập khẩu nhôm thép của ông gần đây và những chính sách quyết đoán mới về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cô lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Quebec.
|
Chủ đề chính thức của cuộc gặp thượng đỉnh năm nay bao gồm “đầu tư cho tăng trưởng có ích cho mọi người”, “chuẩn bị cho những việc làm trong tương lai” và “thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới”. Tuy nhiên, hội nghị tại Quebec đã bị phủ bóng bởi cuộc chiến chia đôi G7, giữa một bên là nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và một bên là 6 cường quốc còn lại. Một loạt chính sách gây bất đồng với các đồng minh của ông Trump đã làm nóng hội nghị, bao gồm: áp thuế nhập khẩu nhôm thép, rút khỏi Thoả thuận khí hậu Paris; rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP; rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran; chuyển đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem...
Trước khi tới Quebec, Pháp và Đức đã cảnh báo Tổng thống Trump rằng họ sẽ không ký thoả thuận cuối cùng nếu Mỹ không chấp nhận một số nhượng bộ chính sách quan trọng. Một quan chức Pháp phát biểu với Bloomberg rằng Tổng thống Emmanuel Macron muốn đạt tiến triển với Tổng thống Trump về xoa dịu những căng thẳng về thương mại, việc Mỹ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran, chính sách về khí hậu, và nếu điều đó không xảy ra, Pháp có thể từ chối ký tuyên bố chung.
Thay vào đó, ông Macron có thể đi đến dẫn đầu một nỗ lực kêu gọi tất cả các nước loại trừ Mỹ khỏi Tuyên bố cuối cùng của G7. “Tổng thống Mỹ có thể không bận tâm việc bị cô lập, nhưng chúng tôi cũng không bận tâm việc ký một thoả thuận của 6 quốc gia nếu cần thiết”, ông Macron đăng dòng tweet trên trang Twitter cá nhân hôm 7/6. Và cuối cùng, cảnh báo này đã thành sự thực.
Có một thực tế là bản thân Tổng thống Trump được cho là đã dự tính trước việc không ký Tuyên bố chung Quebec để chứng tỏ rằng Mỹ hoàn toàn vui vẻ đi theo con đường của mình nếu các thành viên khác gây quá nhiều rắc rối trong quá trình hội đàm. Ông Trump thậm chí còn nói với các cố vấn của mình rằng ông không muốn nghe “giảng bài” bởi các nhà lãnh đạo thế giới khác, đặc biệt trong lúc ông đang bận tâm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào ngày 12/6.
Tại Quebec, Tổng thống Trump còn bất ngờ kêu gọi đưa Nga trở lại G8 sau 4 năm bị "khai trừ" khỏi nhóm vì sáp nhập Crimea, tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lập tức tuyên bố các nước thành viên G7 đều phản đối ý tưởng này.
Chia rẽ nội bộ G7, với riêng Mỹ ở một bên “chiến tuyến”, đã trở nên gay gắt đến mức các nhà quan sát đã gọi Thượng đỉnh G7 năm nay là “G6 + 1”.
Video Tổng thống Trump sớm rời Quebec lên đường tới Singapore dự Thượng đỉnh Mỹ- Triều:
Bỏ qua Mỹ, "G6" thống nhất những gìGạt nước Mỹ qua một bên, nhóm những nước còn lại của G7 đã nhất trí về sự cần thiết của một “nền thương mại tự do, công bằng và đôi bên cùng có lợi” và tầm quan trọng của đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ. “Chúng tôi sẽ nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, phi thuế quan và các trợ cấp”, tuyên bố nêu rõ.
Trong tuyên bố dài 8 trang, các nhà lãnh đạo cũng cam kết hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm nhất có thể và "nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ".
Về vấn đề hạt nhân Iran, các nhà lãnh đạo G7 cam kết đảm bảo "vĩnh viễn" rằng Iran "sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân".
Về quan hệ với Nga, lãnh đạo các nước G7 kêu gọi Moskva chấm dứt cái gọi là "hành vi gây bất ổn" và việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuyên bố chung của G7 cũng đồng thời lên án "vụ tấn công sử dụng chất độc thần kinh cấp độ quân sự ở Salisbury, Anh", bày tỏ sự ủng hộ đối với "đánh giá của Anh rằng nhiều khả năng Nga phải chịu trách nhiệm đối với vụ tấn công" với lý do "không có cách giải thích hợp lý nào khác". Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí sẽ tiếp tục "can dự với Nga để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và thách thức toàn cầu", những nơi và G7 có lợi ích.
Một tuyên bố đáng chú ý khác là việc các nhà lãnh đạo G7 thừa nhận đã thất bại trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận với Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.