Theo bài viết, năng lực tổ chức - quản lý của Việt Nam không phải là thành quả sau một đêm mà là kết quả của những nỗ lực kéo dài hàng thập niên để cải thiện mô hình quản trị và phối hợp ngay từ cấp địa phương. Việc Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong những tháng vừa qua là đỉnh điểm của nỗ lực bền vững này. Việt Nam đã có bước tiến trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sự minh bạch và quản trị nói chung cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa địa phương và trung ương đóng vai trò quan trọng trong thực thi chính sách quốc gia.
Dữ liệu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy các tỉnh của Việt Nam đã có những cải tiến đều đặn về hệ thống chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin và kiểm soát tham nhũng. Bảo hiểm y tế tăng nhanh, với 90% người dân có bảo hiểm, chất lượng bệnh viện liên tục được cải thiện, cùng với chính sách kiểm dịch miễn phí trên diện rộng, khiến người dân Việt Nam hiện không phải lo lắng về chi phí xét nghiệm, nhập viện và cách ly tập trung do COVID-19. Chính điều này khiến người dân yên tâm tuân thủ các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của chính phủ.
Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá tích cực về chiến dịch chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng thực hiện đan xen với các biện pháp chống dịch. Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19.
Viện Brookings nhấn mạnh những nỗ lực minh bạch càng củng cố thêm niềm tin đối với các báo cáo của Đảng và Nhà nước về tình hình dịch COVID-19. Bộ Y tế liên tục cập nhật các ca nhiễm bệnh, tạo cơ sở để các nhà khoa học có những phân tích sâu hơn về tình hình dịch bệnh.
Nhận định về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, bài viết cho rằng chiến lược hiện tại tập trung vào thúc đẩy thị trường trong nước và tái định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bài viết, để thúc đẩy thị trường nội địa theo hướng bền vững, các nhà lãnh đạo Việt Nam ban hành một loạt biện pháp cứu trợ, bao gồm tạm ngưng nghĩa vụ kinh doanh để trả các chi phí như quỹ hưu trí và bảo hiểm nhân thọ, cung cấp các khoản vay truy cập nhanh để trả lương và tăng phúc lợi xã hội cho lao động mất việc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đưa ra kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh thành để thúc đẩy liên kết tại thị trường nội địa, bao gồm cả du lịch, nông nghiệp và ngư nghiệp. Điều này đòi hỏi phải tái định hướng các doanh nghiệp đối với khu vực có nhu cầu cao.
Bài viết cũng lưu ý mặc dù mong muốn khởi động lại nền kinh tế, song các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng tuyên bố rõ rằng việc phục hồi kinh tế phải cân bằng với các mục tiêu y tế công cộng bằng cách áp dụng số giờ hoạt động giới hạn đối với doanh nghiệp, kiểm soát đám đông và tiếp tục thực thi các quy định giãn cách xã hội. Tuân thủ các biện pháp này là “bản lề” duy trì niềm tin trong nhân dân.
Viện Brookings kết luận việc nâng cao các biện pháp tổ chức - quản lý và điều phối chính sách giữa trung ương và địa phương đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19, tạo điều kiện để Việt Nam mở cửa trở lại nền kinh tế trước hầu hết các nước khác.
Theo Viện Brookings, bất chấp những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ và phản ứng nhanh nhạy đối với COVID-19 đã biến Việt Nam trở thành điểm sáng kinh tế của thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020 và đã thu hút được 8,6 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong quý I/2020. Tuy nhiên, thành công này phụ thuộc vào việc tiếp tục cải thiện các biện pháp quản trị kinh tế.