Ngượng ngùng cười, Wassan Saleh thừa nhận bà đang phải đối mặt với “căn bệnh” mà các bộ máy hành chính trên khắp Irắc đang tìm cách cứu chữa, đó là chưa bao giờ sử dụng máy vi tính.
Irắc đang bị tụt hậu về công nghệ thông tin sau nhiều năm chiến tranh. Ảnh: Internet |
Bà Saleh đang tham gia lớp học vi tính tại một trường đại học ở Bátđa theo chương trình “xóa mù” công nghệ thông tin cho viên chức chính phủ nhằm giúp hiện đại hóa các dịch vụ công ở Irắc. “Tôi có máy vi tính ở nhà, nhưng chẳng có khái niệm gì về cách hoạt động của nó. Nay thì tôi sẽ sử dụng mọi thứ đã học. Thật tuyệt khi có thể truyền đạt lại cho gia đình và hàng xóm”, nữ viên chức Bộ Thương mại cho biết.
Hệ thống hành chính thiếu hiệu quả, quản lý dựa trên giấy tờ vẫn hầu như không thay đổi tại Irắc trong hàng thập kỷ qua. Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế, mức độ thâm nhập của Internet tại Irắc cho đến nay là thấp nhất trong khu vực, với chỉ 1,1% vào năm 2010. Trong khi số người sử dụng điện thoại di động đã tăng vọt kể từ sau khi chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, thì việc sử dụng máy tính vẫn không được mở rộng. Vì thế, các lớp học IT dành cho viên chức đều được thiết kế với nội dung giảng dạy rất đơn giản. Không sử dụng các biệt ngữ, ngôn ngữ kỹ thuật khó hiểu và các bài học đều xoay quanh kiến thức căn bản về máy tính và cách sử dụng những phần mềm đơn giản như Word hay Excel. Sau đó, các học viên được tiếp cận với Internet và các phương tiện truyền thông xã hội khác như Twitter, Facebook.
Tại trường Đại học Kỹ thuật Baghdad, các học viên “xóa mù” IT được học 3 tiếng mỗi ngày trong 10 ngày. Học viên đều được các cơ quan chính phủ Irắc cử đi, với học phí tương đối rẻ, chỉ 50.000 dinar (42 USD)/khóa do chính phủ chi trả. “Chúng tôi được học những thứ mà trước đây chúng tôi thậm chí còn không biết là chúng tồn tại”, ông Abdul Jalil Hanoun, một viên chức 55 tuổi của Bộ Tư pháp nói.
Tình trạng tụt hậu công nghệ thông tin là hậu quả trực tiếp của 30 năm chiến tranh và cấm vận: Cuộc chiến tranh Iran - Irắc giai đoạn 1980 - 1988; cuộc xung đột với Côoét năm 1990, kéo theo là chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và những năm dài cấm vận kinh tế; gần đây nhất là cuộc chiến vùng Vịnh lần hai năm 2003. Cho đến năm 1980, Irắc là quốc gia có công nghệ hiện đại nhất ở Trung Đông. Nhưng cuộc chiến với Iran đã làm thay đổi tất cả.
Sau khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ, các “xiềng xích” đối với việc sử dụng web đã được dỡ bỏ năm 2003, nhưng chính phủ vẫn không mở rộng sử dụng máy vi tính. Các quân nhân Mỹ đóng tại nước này trước khi rút về nước vào tháng 12/2011, từng rất ngạc nhiên khi biết rằng, các mệnh lệnh từ cảnh sát trưởng thành phố phải mất vài ngày để tới các đồn cảnh sát vì chúng không được gửi qua email mà vẫn bằng hòm thư giấy. Trong khi đó, với các gia đình, cước thuê bao Internet vẫn còn đắt, dao động từ 60-100 USD/tháng, và tốc độ kết nối thì thua xa khu vực.
Các khóa IT tại Đại học Kỹ thuật Baghdad, tuy vậy cũng đã mở ra những con đường nhỏ khắc phục từng bước tình trạng “mù” vi tính này. Trong 5 tháng đầu của năm nay, 547 viên chức đã đặt những bước đi đầu tiên với khoa học vi tính. Các trường đại học khác ở Bátđa cũng đã bắt đầu những chương trình giảng dạy tương tự. Naiwa Abdulridha, 27 tuổi, tự hào cho biết, cô đã học được cách gửi email. “Những chiếc máy tính đã biến hành tinh thành một ngôi làng, và chúng tôi muốn sống trong ngôi làng đó”, cô nói.
Thu Hằng