Như tin TTXVN đã phát, phóng viên điều tra Jan Kuciak (27 tuổi) và vợ chưa cưới Martina Kusnirova bị bắn chết tại nhà riêng ngày 25/2. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Slovakia một nhà báo bị ám sát.
Cảnh sát cho biết, vụ tấn công này có dấu hiệu của một vụ giết thuê. Trước khi chết ông Kuciak đã viết về mối quan hệ giữa một nhóm mafia Italy và một số quan chức chính phủ Slovakia. Phóng sự điều tra của Kuciak cũng tiết lộ rằng cựu trợ lý của Thủ tướng Robert Fico, bà Maria Troskova, và cố vấn an ninh quốc gia Viliam Jasan là đối tác kinh doanh của nhóm tội phạm trên.
Biểu tình chống maphia ở Braitslava. Nguồn ảnh: Deutsche Welle |
Vụ sát hại nhà báo Kuciak đã dẫn đến việc nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Slovakia. Trong những tuần gần đây nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra trên khắp cả nước. Ngày 9/3 khoảng một trăm nghìn người đã tuần hành trên các đường phố của thủ đô Bratislava và hàng chục thành phố, thị trấn của Slovakia, kêu gọi Thủ tướng Fico, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak, đều thuộc đảng Smer-SD đang cầm quyền, cùng toàn bộ nội các từ chức.
Tại quảng trường trung tâm thủ đô Bratislava khoảng 30.000 người đã biểu tình phản đối chính phủ. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất tại Slovakia kể từ năm 1989. Những người biểu tình cho rằng các chính trị gia nắm quyền đã làm mất niềm tin, đồng thời yêu cầu phải thành lập một chính phủ mới đáng tin cậy.
Trong khi đó, các lãnh đạo cấp cao Slovakia vẫn đang bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng. Cho đến thời điểm này Tổng thống Andrej Kiska, Thủ tướng Fico và Chủ tịch Quốc hội Andrej Danko - ba lãnh đạo hàng đầu của Slovakia - đã thất bại trong việc đưa ra những biện pháp chung nhằm giải tỏa căng thẳng đang gia tăng.
Cũng trong ngày 9/3, sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ, Chủ tịch Quốc hội Danko cho biết, ba đại diện chính trị cao nhất của Slovakia đã không thể ký tuyên bố chung do Tổng thống Andrej Kiska đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo tuyên bố của Tổng thống Kiska, các biện pháp nhằm giảm căng thẳng xã hội bao gồm việc quy trách nhiệm chính trị và thay đổi nhân sự quan trọng, điều tra các hoạt động tình nghi liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức tại Slovakia mà nhà báo Kuciak đã để cập.
Về phần mình, Thủ tướng Fico đã phải từa nhận: “Ba người có ba quan điểm khác nhau”. Ông Fico cũng cho rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ là âm mưu đảo chính do phe đối lập thúc đẩy để lật đổ chính phủ và giành quyền lực. Đề cập lời kêu gọi của Tổng thống Kiska tiến hành cuộc cải tổ chính phủ hoặc bầu cử sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Fico đã cáo buộc ông Kiska đang chơi trò chơi quyền lực, gây bất ổn Slovakia.
Thủ tướng Fico cho biết, bất kỳ thay đổi nội các nào chỉ có thể là kết quả của thỏa thuận giữa liên minh cầm quyền ba bên (Smer-SD, SNS và Most-Hid). Trong khi đó Hiến pháp không quy định bất kỳ vai trò nào cho tổng thống trong tiến trình này và một cuộc bầu cử sớm chỉ có thể được tổ chức khi có ít nhất 90 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ.
Như vậy, Slovakia đã bất ngờ chuyển từ một nước được coi là ổn định trong EU sang hỗn loạn kể từ khi xảy ra vụ sát hại nhà báo Kuciak. Trong một bài phát biểu hồi tháng trước Tổng thống Kiska tuyên bố rằng Slovakia là quốc gia “thành công, tự hào và tự tin”. Tuy nhiên vào ngày 4/3 ông lại nói rằng Slovakia đang phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng” do cái chết của nhà báo Kuciak gây ra. Trong cơn bão chính trị đang mạnh lên từng ngày này, hai trợ lý của Thủ tướng Fico và Bộ trưởng Văn hoá Marek Madaric đã phải từ chức. Ngày 12/3 Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak cũng vừa tuyên bố từ chức.
Sự từ chức của ông Kalinák có thể được xem như là một cách mà liên minh cầm quyền kỳ vọng sẽ xoa dịu tình hình, tuy nhiên hiện nay dường như điều đó không còn là giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Slovakia.