Trong bảng xếp hạng mới 7 cường quốc hàng đầu thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 vì một số lý do sau:3) Trung QuốcTrung Quốc đứng thứ ba trong bảng xếp hạng sức mạnh toàn cầu trong khi nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân túy cho rằng nên xếp hạng nước này ở vị trí đầu tiên. Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế, nhưng Trung Quốc cần phải có thêm thời gian để thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của mình trong các vấn đề quốc tế.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục có sự tăng trưởng nhanh về kinh tế, Mỹ sẽ phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh lớn vị trí số một thế giới. |
Có ba lý do cơ bản cho sự thiếu hụt này. Đầu tiên là môi trường khu vực của Trung Quốc- một khu vực đang vươn lên mạnh mẽ với những cường quốc đầy tham vọng. Trong khi Trung Quốc tự coi mình là một cường quốc thế giới, các đối thủ trong khu vực như Nhật Bản, Indonesia, Australia đang có ý định ngăn chặn sự nổi lên của Bắc Kinh như là một bá quyền khu vực. Mỹ cũng tham gia và ủng hộ những nỗ lực này.
Khi Trung Quốc vẫn còn đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ và bị các nước khác trong khu vực hạn chế ảnh hưởng, nước này chỉ đơn giản là không thể nổi lên như một siêu cường toàn cầu như họ mong muốn. Chắc chắn Đức hiện nay có nhiều ảnh hưởng trong khu vực châu Âu hơn so với sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Vấn đề thứ hai bắt nguồn từ bản chất của mô hình kinh tế Trung Quốc và các nhân tố về địa lý. Là một cường quốc về sản xuất, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào việc tiếp cận với các nguyên liệu thô cũng như thị trường trên toàn thế giới. Nghiêm trọng hơn, đó là sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông.
Trong tương lai gần, Trung Quốc không thể hoàn toàn bảo vệ được các tuyến đường biển mà nền kinh tế nước này phụ thuộc; nếu Bắc Kinh bắt tay vào việc xây dựng lực lượng hải quân biển xanh hung hăng và các khả năng hàng hải cần thiết để bảo vệ các tuyến đường biển qua các đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ, hành động đó sẽ củng cố liên minh của Mỹ ở châu Á chống lại điều này và kích động một cuộc chạy đua vũ trang mà ngay cả nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc cũng có thể không giành chiến thắng.
Như vậy, trước mắt Trung Quốc chỉ đơn giản là không thể đảm bảo dòng chảy của các nguồn lực cần thiết mà nền kinh tế của họ phụ thuộc; Thực tế này làm hạn chế sự linh hoạt và tự do của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại bữa tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ Obama (trái) ngày 12/11/2014. Ảnh: Reuters |
Hơn nữa, Trung Quốc đã thành công lớn khi có các mối quan hệ kinh tế hướng tới xuất khẩu để tiếp cận các thị trường trên toàn thế giới. Nếu Trung Quốc không thể xuất khẩu hàng hóa của họ sang châu Mỹ và châu Âu, các nhà máy tại Trung Quốc sẽ không thể trả lương cho công nhân của họ và hệ thống tài chính nước này sẽ sụp đổ. Sức mạnh và sự phát triển của Trung Quốc phụ thuộc vào sự an toàn của một trật tự thế giới chủ yếu do Mỹ thiết kế. Không có những cách thức dễ dàng nào để có thể vượt qua được những giới hạn này trong các lựa chọn chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Vấn đề thứ ba là bắt nguồn từ bản chất của sự phát triển bất thường của Trung Quốc. Trung Quốc đã phát triển một cách nhanh chóng và trên một quy mô rộng lớn khiến nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội của nước này bị căng ra. Vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng là một trong những hậu quả từ sự phát triển nhanh. Trong khi đó, hệ thống tài chính của Bắc Kinh có vấn đề và chưa bao giờ được "thử nghiệm" bằng một cuộc suy thoái thực sự. Hậu quả của chính sách một con đang gây ra các hệ lụy xã hội. Các chiến lược phát triển "sản xuất-cho-xuất khẩu" không còn có thể phục vụ như là nền tảng cho sự tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng nước này rất khó để chuyển đổi mô hình tăng trưởng - và rất khó để dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Những khó khăn trong nước và tình trạng bất ổn chính trị mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên phải lo lắng cũng đặt ra những giới hạn về sự tự do hành động trên phạm vi toàn cầu của Bắc Kinh và làm giảm quy mô ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền chính trị quốc tế.
4) Nhật BảnNhật Bản tiếp tục là quốc gia bị đánh giá thấp theo lối suy nghĩ thông thường. Với sự trì trệ về kinh tế, bị hạn chế trách nhiệm theo một hiến pháp hòa bình do Mỹ đặt ra, lu mờ trước một Trung Quốc đang lên, Nhật Bản đôi khi được xem như là một cường quốc bậc trung và dần mờ nhạt.
Với ưu thế công nghệ, Tokyo có đủ tiềm năng để duy trì một sức mạnh quân sự lớn trong một thời gian dài sắp tới. |
Tuy nhiên, đó là nhận thức sai lầm. Nhật Bản vẫn là một cường quốc lớn và nhờ vào một chính sách ngoại giao quyết đoán và thông minh mới, sức ảnh hưởng của quốc gia này trong các vấn đề thế giới thực sự đang tăng lên. Đây vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và mặc dù bị một chút suy thoái, nhưng trình độ công nghệ và các mạng lưới sản xuất và thương mại toàn cầu của Nhật Bản khiến nước này có một tiềm lực cực kỳ ghê gớm.
Trong thế kỷ 21, công nghệ sẽ trở thành yếu tố vô cùng quan trọng trong một cuộc cạnh tranh sức mạnh nói chung và quân sự nói riêng. Khả năng của Nhật Bản trong việc sản xuất và triển khai các công nghệ quân sự tinh vi và duy trì được vị thế riêng của mình trong cuộc cạnh tranh vũ khí công nghệ cao có nghĩa là Tokyo có đủ tiềm năng để duy trì một sức mạnh quân sự lớn trong một thời gian dài sắp tới.
Năm 2014, Nhật Bản có những động thái mạnh mẽ để biến những lợi thế này thành sức mạnh địa chính trị. Tokyo đã diễn giải lại hiến pháp hòa bình của mình để cho phép "phòng vệ tập thể” – sự tái vũ trang cần thiết cộng với có mối quan hệ gần gũi hơn với quân đội của các nước thân thiện. Không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản có một quân đội công nghệ hiện đại và sau đó là một dấu chấm hết cho một thập kỷ của lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cũ để bắt đầu cạnh tranh hiệu quả trên thị trường vũ khí toàn cầu, đặc biệt là bán một số tàu ngầm hiện đại cho Australia.
Nhật Bản đang tìm cách trở thành trung tâm của các mối quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Phillippines và Australia, những nước có chung mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những triển vọng cho một mối quan hệ sâu sắc hơn với Ấn Độ là đặc biệt sáng sủa; sự bổ sung lẫn nhau về kinh tế và chia sẻ những lợi ích địa chính trị chung cho thấy rằng mối quan hệ Tokyo-Delhi có thể là một trong những thực thể cơ bản hình định hình nền chính trị thế kỷ 21.
Công Thuận (còn tiếp)Kỳ cuối: Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia