Xóa bỏ rào cản trong cuộc chiến chống dịch bệnh

“Chấm dứt bất bình đẳng. Chấm dứt bệnh AIDS. Chấm dứt các đại dịch”- chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 năm nay nêu bật một thực trạng cũng đang là rào cản trong cuộc chiến ứng phó với đại dịch COVID-19, đó là tình trạng bất bình đẳng.

Chú thích ảnh
Xếp hình ruy băng đỏ nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS tại Bhubaneswar, Ấn Độ. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Trong báo cáo năm 2021, đánh dấu 40 năm kể từ khi thế giới ghi nhận các trường hợp HIV đầu tiên, Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) nhận định cộng đồng quốc tế đang đi chệch hướng trong việc thực hiện cam kết chung để chấm dứt dịch bệnh hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) do virus HIV gây ra vào năm 2030, mà một trong những nguyên nhân chính là vấn đề bất bình đẳng. Nói cách khác, bất bình đẳng chính là rào cản đối với việc thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Ngay trong nhan đề “Đương đầu với bất bình đẳng”, báo cáo của UNAIDS cũng đã phản ánh tình cảnh những người có HIV đang bị bỏ lại phía sau. Tình trạng bất bình đẳng đang cản trở người dân tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS. Sự kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV cũng tạo thành những “chướng ngại vật” cản trở cơ hội tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế, từ xét nghiệm đến điều trị, đối với người có HIV. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe tồn tại lâu nay.

Các nghiên cứu khoa học chỉ rõ nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người có HIV cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV. Theo các nghiên cứu từ Anh và Nam Phi, nguy cơ người có HIV tử vong do COVID-19 cao gấp đôi so với người bình thường. Tuy nhiên, ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara, nơi tập trung tới 67% số người có HIV trên toàn thế giới, đến tháng 7 vừa qua, chỉ chưa đầy 3% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch kéo dài suốt 2 năm qua, những người có HIV là đối tượng dễ bị tổn thương, phải đối mặt với “mối đe dọa kép” và chính COVID-19 đang khiến cộng đồng quốc tế có nguy cơ “lỡ hẹn” với mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030. Riêng năm 2020, thế giới ghi nhận tới 1,5 triệu ca HIV mới, không đạt mục tiêu đề ra là duy trì số ca HIV mới dưới con số 500.000. Cùng thời gian này, khoảng 0.000 người có HIV đã tử vong. Tỷ lệ tỷ vong hàng đầu vẫn là phụ nữ tuổi từ 15- 49 tại khu vực châu Phi và những trường hợp mắc mới phần lớn là trẻ em gái tuổi từ 15-19, một thực tế càng thể hiện rõ vấn đề bất bình đẳng.

Chú thích ảnh
Nhân viên điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp ngày 2/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo AIDS năm 2021 của UNAIDS cho thấy đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất, khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến AIDS trở nên khó khăn hơn.

Các lệnh phong tỏa và những biện pháp hạn chế khác nhằm phòng chống COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xét nghiệm HIV ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến việc chẩn đoán, chuyển tuyến đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị ban đầu cho người có nguy cơ phơi nhiễm hoặc có HIV.

Chẳng hạn tại KwaZulu-Natal ở Nam Phi, tỷ lệ xét nghiệm HIV đã giảm 48% sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên được triển khai vào tháng 4/2020. Số ca được chẩn đoán nhiễm mới ít hơn và tỷ lệ điều trị ban đầu cũng giảm rõ rệt. Các dịch vụ thăm khám, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV bị hạn chế đáng kể. LHQ lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng số ca mắc và tử vong vì HIV/AIDS tại Trung và Tây Phi.

Cũng trong giai đoạn dịch COVID-19, phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara tiếp tục có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao hơn khi các lệnh hạn chế, phong tỏa phòng dịch khiến họ phải ở nhà và trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục.

Chỉ riêng tại khu vực này, có tới 25% trong tổng số ca HIV mới là trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ. Thực trạng này đe dọa đảo ngược những thành quả mà thế giới đạt được trong phòng chống HIV/AIDS, như số người được điều trị HIV/AIDS năm 2020 là 27,4 triệu người, gấp hơn 3 lần so với con số 7,8 triệu người được ghi nhận vào năm 2010, hay số người tử vong do HIV/AIDS trong cùng thời gian đã giảm 43%.

UNAIDS cảnh báo nếu không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng, thế giới có thể phải chứng kiến 7,7 triệu ca tử vong do AIDS trong vòng 10 năm tới. Và nếu không thể chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, nhân loại có thể vẫn mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và sẽ không chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các đại dịch trong tương lai.

Chú thích ảnh
Ngày 8/6/2021 (giờ địa phương), Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc Hội nghị Cấp cao về HIV/AIDS 2021 nhằm đánh giá các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc từ năm 2016 đến nay và tiếp tục trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu xoá bỏ dịch bệnh này vào năm 2030. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Thanh-PV TTXVN tại Hoa Kỳ

Tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS năm 2021 do Đại hội đồng LHQ khóa 75 tổ chức tháng 6 vừa qua với chủ đề “Chấm dứt bất bình đẳng. Chấm dứt AIDS”, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir nhấn mạnh AIDS là dịch bệnh của bất bình đẳng, nếu muốn đẩy lùi AIDS vào năm 2030 thì bắt buộc phải đẩy lùi bất bình đẳng. Đây vừa là điều kiện, vừa là kết quả của việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Tại hội nghị, các  quốc gia thành viên LHQ đã cam kết thực hiện mục tiêu tham vọng là tới năm 2025 giúp 95% người có HIV được tiếp cận các dịch vụ chữa bệnh, giảm số ca lây nhiễm hằng năm xuống dưới 370.000, và giảm số ca tử vong liên quan đến AIDS xuống dưới 250.000; loại bỏ mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; Chấm dứt tình trạng bất bình đẳng mà những người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV cũng như các cộng đồng đang phải đối mặt; chấm dứt tình trạng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia liên quan tới vấn đề này…

Trong thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhận định thế giới vẫn có thể chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, nhưng để thực hiện mục tiêu này, cộng đồng quốc tế cần gia tăng các nỗ lực và hành động tập thể. Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại cam kết của Việt Nam, cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế, rằng để đạt được mục tiêu 90-90-90 (gồm 90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người có HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp) và sắp tới đây là mục tiêu 95-95-95, thế giới cần nỗ lực 100-100-100 và hơn thế nữa. Và hành động khẩn cấp lúc này chính là chấm dứt bất bình đẳng để xóa bỏ những rào cản  đối với việc thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS, từ đó xây dựng khả năng phục hồi khi đối mặt với các đại dịch trong tương lai.

Minh Tâm (TTXVN)
UNAIDS: Thế giới khó đạt mục tiêu loại trừ HIV/AIDS đúng hạn
UNAIDS: Thế giới khó đạt mục tiêu loại trừ HIV/AIDS đúng hạn

Tỷ lệ lây nhiễm HIV trên thế giới chưa giảm đủ nhanh để đạt mục tiêu loại trừ bệnh AIDS vào năm 2030. Đây là kết quả báo cáo được Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đưa ra ngày 29/11, hai ngày trước Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN