Hồi tháng 6, UNAIDS đã đặt ra những mục tiêu mới cần đạt được vào năm 2025, như giúp 95% người có HIV được tiếp cận các dịch vụ chữa bệnh, giảm số ca lây nhiễm hằng năm xuống dưới 370.000, và giảm số ca tử vong liên quan đến AIDS xuống dưới 250.000. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của cơ quan này cho rằng thế giới đang không đi đúng hướng để đạt được những mục tiêu trên.
Báo cáo mới của UNAIDS cũng nhấn mạnh đến 5 ưu tiên Chiến lược AIDS toàn cầu khẩn cấp cần được hỗ trợ ngân sách và triển khai trên phạm vi toàn thế giới để ngăn chặn dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó.
Cũng theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến cuộc chiến chống AIDS ở những mức độ khác nhau ở các nước, nhưng hầu hết đều có điểm chung là tỉ lệ sàng lọc HIV đang chậm lại. Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima nhận định những thiếu sót trong cuộc chiến chống HIV toàn cầu đang cho phép đại dịch COVID-19 tiếp diễn và khiến thế giới rơi vào tình trạng không chuẩn bị một cách nguy hiểm khi đối mặt với các dịch bệnh khác trong tương lai.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng cuộc khủng hoảng do COVID-19 cũng là cơ hội chưa từng có tiền lệ để rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ và tập trung sự lãnh đạo và đầu tư cần thiết cho một khuôn khổ toàn cầu toàn diện để có thể chấm dứt tình trạng bất bình đẳng và loại trừ bệnh dịch HIV/AIDS.
Theo UNAIDS, HIV có thể khiến 7,7 triệu người tử vong trong giai đoạn 2021-2030 nếu những biện pháp phòng chống và điều trị vẫn duy trì những mức độ ở thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, nếu một chiến lược toàn cầu được thực hiện và các mục tiêu đến năm 2025 được đáp ứng, khoảng 4,6 triệu người sẽ được cứu sống trong cùng giai đoạn nói trên.
Cũng liên quan đến bệnh HIV/AIDS, Tổng Thư ký Hiệp hội Miễn dịch học Đức Carsten Watzl ngày 29/11 nhận định Omicron, biến thể có thể dễ lây lan hơn các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, có khả năng đã được hình thành ở bệnh nhân HIV hoặc người mắc các chứng rối loạn suy giảm miễn dịch khác.
Trả lời phỏng vấn hãng tin DPA, ông Watzl giải thích virus có thể bội nhiễm trong nhiều tuần ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Trong quá trình này, đôi khi sự xuất hiện của các đột biến riêng biệt có thể không mang lại lợi ích cho virus, nhưng chúng vẫn có thể tiếp tục nhân lên do hệ miễn dịch thiếu kiểm soát". Thêm vào đó, biến thể Omicron có số lượng đột biến trong protein lớn hơn nhiều so với biến thể ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán. Chúng bao gồm các đột biến liên quan đến khả năng lây nhiễm và suy giảm miễn dịch cao hơn. Nhiều bệnh nhân HIV ở châu Phi không được điều trị đầy đủ khiến hệ miễn dịch suy yếu đáng kể.
Cũng theo ông Watzl, để tránh sự lây lan của các biến thể biến đổi nghiêm trọng như Omicron, điều thiết yếu là phải phát hiện những người mắc bệnh có hệ miễn dịch suy yếu và cách ly cho đến khi họ không còn khả năng lây nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định biến thể B.1.1.529 được phát hiện ở Nam Phi là "biến thể đáng quan ngại" và đặt tên là Omicron. Biến thể này có một số lượng lớn đột biến, trong đó có một số đột biến đáng chú ý có khả năng cản trở quá trình trung hòa mầm bệnh bởi các kháng thể, điều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Ngoài ra, theo các báo cáo sơ bộ, biến thể mới này có khả năng lây lan cao. Để đề phòng, một số quốc gia hiện đã ngừng khai thác dịch vụ hàng không với các quốc gia miền Nam châu Phi.