Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến đi trở lại châu Á sau gần 2 năm. Trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ về cam kết với châu Á của Mỹ, Nhà Trắng rất cần những kết quả cụ thể trong chuyến công du lần này của ông Obama.
Chính sách “xoay trục” của Mỹ cần bao gồm các lĩnh vực như thương mại, văn hóa... Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng coi tất cả những chuyến thăm của các quan chức cấp cao đến châu Á, như chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, hay chuyến thăm Đông Nam Á sắp tới của Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker, là minh chứng rằng ông Obama rất nghiêm túc với chiến lược xoay trục và hiện đang thực hiện chiến lược này.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực trên của Nhà Trắng, người ta nhận thấy rất rõ một điều rằng trong những năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ là cơ quan duy nhất trong chính phủ tạo ra những bước tiến đáng kể trong mối quan hệ với châu Á, chứ không chỉ dừng lại ở những cuộc gặp gỡ hay những thông cáo ngoại giao. Dù luôn đứng trước nguy cơ bị cắt giảm ngân sách và thu nhỏ quy mô, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ là điểm sáng nhất trong chính sách xoay trục với các hoạt động trợ giúp nhân đạo sau khi siêu bão Haiyan tràn vào Philippines, các chuyến viếng thăm của tàu hải quân Mỹ đến Singapore hay những nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Hãng hàng không Malaysia đều giúp tăng cường dấu ấn của Mỹ tại khu vực.
Tuy nhiên, chính sách xoay trục của Mỹ cần phải vượt ra khỏi giới hạn ngoại giao và quân sự và bao gồm cả những lĩnh vực như thương mại, giáo dục và văn hóa. Quan trọng hơn, nước Mỹ không nên chờ đợi một sự thay đổi nhân sự tại Nhà Trắng hay Lưỡng viện mới thực hiện những cam kết sâu sắc và hiệu quả hơn tại châu Á. Để đạt được những lợi ích cho cả đôi bên, Mỹ và các nước châu Á cần hướng đến việc xây dựng lòng tin và hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Nhiều người đang hy vọng trong chuyến thăm lần này, ông Obama sẽ đưa ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng sẽ kết nối Mỹ với 11 quốc gia Nam Mỹ và Đông Nam Á, với GDP chiếm tới 40% tổng GDP toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được những đột phá trong đàm phán TPP với Nhật Bản, thì cũng rất ít khả năng bản thỏa thuận cuối cùng sẽ được đưa ra, và sau đó là được Quốc hội Mỹ thông qua trong thời gian ngắn. Với quy mô đã được mở rộng so với sáng kiến ban đầu của Tổng thống George W.Bush, tiến trình đàm phán TPP sẽ rất khó kết thúc sớm, nhất là trong bối cảnh ông Obama đang phải đối mặt với những mâu thuẫn trong nội bộ Quốc hội Mỹ. Song, nếu có quyết tâm, ông Obama vẫn có thể tạo ra những thay đổi, trước hết là việc từng bước xây dựng lòng tin và mối quan hệ nhằm tăng cường sự hợp tác và tham vấn với các nước châu Á.
Trong khi Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ về kinh tế và quân sự của Mỹ, thì chiến lược "tái cân bằng của tái cân bằng" này nên bao gồm những lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác Trung - Mỹ, trong đó có lĩnh vực thương mại. Hãy nhớ lại màn trình diễn của "ngoại giao bóng bàn" nhiều năm trước đã giúp Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau. Ngày nay, Trung Quốc sẽ rất chào đón những nỗ lực trợ giúp từ bên ngoài đối với những vấn đề như ô nhiễm môi trường, nước sạch... và đây chính là những cơ hội hợp tác rất hứa hẹn.
Vượt ra khỏi khuôn khổ của hợp tác ngoại giao và quân sự, bộ mặt mới của chính sách xoay trục do Mỹ thực hiện tại châu Á cần đến sự có mặt của những doanh nhân, nhà sư phạm, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, vận động viên, khách du lịch Mỹ. Từng người trong số này sẽ đóng góp một phần nhỏ vào sự đẩy mạnh hợp tác giữa Mỹ với các nước châu Á, qua đó mang lại những kết quả tích cực hơn.
Phạm Phú Phúc (Theo trang mạng "chinausfocus")