Giới quan sát nhìn nhận đây là hướng đi khác hẳn thời Chính quyền tiền nhiệm Benigno Aquino III, người đã đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (tức The Hague, Hà Lan) vào năm 2013.
Tân Tổng thống Rodrigo Duterte (thứ 2 phải) và Tổng thống mãn nhiệm Philippines Benigno Aquino (phải) có phong cách ứng xử với Trung Quốc khá khác biệt về vấn đề Biển Đông. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong buổi họp nội các đầu tiên sau khi nhậm chức vào ngày 30/6, tân Tổng thống Duterte nhấn mạnh: “Tôi rất mong muốn chúng ta có thể đảm bảo được hòa bình chỉ nhờ đàm phán”. Trước đó ông cho biết ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc về các tranh cãi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Phó Giáo sư Richard Heydarian, hiện đang làm việc tại Đại học De la Salle, cho rằng ông Duterte “đang có cách tiếp cận hoàn toàn khác, liên tục nhấn mạnh tới sự cần thiết của đối thoại trực tiếp và khôi phục quan hệ song phương”. Ông nói thêm: “Ông Duterte muốn đánh tiếng với Trung Quốc rằng không nên để tranh chấp hàng hải hay vụ kiện này ảnh hưởng tiêu cực tới tổng thể mối quan hệ song phương”.
Ông Heydarian cho rằng Tổng thống Duterte muốn quan hệ Philippines-Trung Quốc có được sự hòa dịu và ổn định, nhất là sau khi PCA ra phán quyết vào ngày 12/7 tới, và điều này có thể đồng nghĩa với việc Manila thời gian tới “sẽ không chỉ trích Trung Quốc một cách gay gắt”. Đổi lại, theo ông Heydarian, tân lãnh đạo Philippines có thể sẽ có một số nhượng bộ nhất định trong vấn đề Biển Đông.
Trước khi đắc cử Tổng thống Philippines, ông Duterte từng nói rõ quan điểm “không sẵn sàng phát động chiến tranh”, khi nhắc đến kịch bản xấu nhất là sự đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông.
Giáo sư chính trị Benito Lim cho rằng ông Duterte muốn chìa tay về phía Trung Quốc, nêu rõ quan điểm rằng ông muốn đối thoại trực tiếp, và không muốn chiến tranh với Trung Quốc, dù chỉ là khẩu chiến.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã, ông Lim nói: “Điều này có nghĩa ông ấy muốn tìm các giải pháp khác thay vì đẩy tình hình tới chỗ bế tắc”. Theo ông Lim, tân Tổng thống Duterte “đang nỗ lực tìm các hướng giải quyết và biện pháp khác để tháo gỡ thế bế tắc tồn tại từ lâu, từ đó tiến tới đồng thuận những vấn đề có lợi cho cả hai bên”.
Ông Lim nhận định đây là bước đi hợp lý của Chính quyền Duterte, và hai nước hoàn toàn có thể tiến về phía trước bằng việc thúc đẩy “các thỏa thuận hợp tác và có lợi”. Hơn thế nữa, ông Lim cho rằng Tổng thống Duterte thực sự đang quan tâm tới các lợi ích quốc gia của Philippines khi có các động thái hòa giải với Trung Quốc.
Tân Tổng thống Duterte từng khẳng định Philippines dưới thời ông sẽ tự mình vạch ra lộ trình và chính sách riêng, thay vì phụ thuộc vào những hỗ trợ quân sự từ Mỹ như dưới thời người tiền nhiệm Aquino. Ông Lim nhận định: “Philippines (dưới thời Duterte) sẽ không lệ thuộc vào Mỹ, và sẽ không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai, ngoại trừ lợi ích của người dân Philippines”.
Về câu hỏi liên quan đến các tác động đối với mối quan hệ Mỹ-Philippines trước việc Manila có thái độ mềm mỏng hơn với Trung Quốc, ông Lim nói: “Lợi ích của Philippines không phải là thứ cần được cộng đồng quốc tế chấp thuận hay phản đối. Đó đơn giản chỉ là lợi ích của chính Philippines”.
Ông Lim cho rằng tuyên bố của ông Duterte cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ chờ tới khi tòa ra phán quyết và nghiên cứu kỹ các tác động của phán quyết này, và cho dù phán quyết là có lợi cho Philippines thì “ông ấy vẫn sẽ tiếp tục cân nhắc các hệ quả của nó”.
Ông Rommel Banlaoi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo và Quốc gia, cho rằng Tổng thống Duterte muốn có các cuộc đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về nhiều khía cạnh của mối quan hệ ngoại giao như kinh tế và thương mại, chứ không chỉ xoay quanh các vấn đề chính trị như Biển Đông.
Theo ông Banlaoi, tân Tổng thống Philippines không chỉ muốn “khôi phục mối quan hệ rạn nứt giữa Bắc Kinh và Manila, mà còn muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế tốt đẹp hơn với Trung Quốc”. Ông nói thêm: “Tổng thống Duterte không muốn mối quan hệ song phương với Trung Quốc chịu sự chi phối của các tranh cãi trong vấn đề Biển Đông, điều này có nghĩa là chính quyền của ông ấy sẵn sàng đối thoại về nhiều khía cạnh, thậm chí là các bình diện quan trọng hơn, của mối quan hệ này”.
Trong một bài bình luận được đăng tải trên số báo ra ngày 4/7, nhật báo Inquirer của Philippines cho rằng dù đang có những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc song Philippines vẫn có thể xây dựng một mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với quốc gia này, nhất là thông qua các cơ chế của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).
Bài xã luận có đoạn: “AIIB được mô tả là một thể chế hiện đại và đa phương, là giải pháp trong thế kỷ 21 do Trung Quốc khởi xướng, tương tự như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ACB). Philippines giờ đây sẽ có thể có được những khoản vay thông qua một cơ chế minh bạch hơn”.
Ông Banlaoi cho rằng Tổng thống Duterte đang thúc đẩy một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng, bất chấp điều mà ông miêu tả là “áp lực rất lớn” từ phía nhiều đối tác chiến lược như Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Theo ông Banlaoi, “đây là một giải pháp cân bằng khó khăn những cũng rất khéo léo”, và Tổng thống Duterte là người quyết tâm xây dựng quan hệ hòa hảo với mọi quốc gia.
Về phán quyết sắp tới của PCA, ông Banlaoi cho rằng Chính quyền Manila đã tuyên bố sẽ nghiên cứu kỹ phán quyết này trước khi có quyết định liên quan. Ông nói: “Tôi hiểu là Chính quyền muốn đảm bảo chắc chắn rằng bước đi tiếp theo của họ sẽ củng cố hơn quan điểm khẳng định Philippines ủng hộ một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc”.