Theo các nguồn tin từ Trung Quốc và quốc tế, Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức Diễn đàn Hợp tác quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay sẽ diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào các ngày 10 và 11/11/2014.
Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên tổ chức tại Thủ đô của Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình đảm nhận cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham dự hội nghị này sẽ do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu.
Các nguồn tin từ Trung Quốc cho biết: Từ ngày 5 - 6/11/2014 đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao lần cuối; từ ngày 7 - 8/11/2014 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng APEC; Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra từ ngày 10 - 11/11/2014.
Bên lề hội nghị này còn diễn ra các hoạt động của giới công nghiệp, thương mại và hoạt động của các lãnh đạo như: Hội nghị các nhà lãnh đạo công nghiệp - thương mại APEC, Đối thoại giữa lãnh đạo các nước thành viên APEC và đại biểu Hội đồng tư vấn công nghiệp - thương mại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết chủ đề của hội nghị năm nay là "Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương". Các phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc thì cho rằng: Việc khởi động tiến trình xây dựng Khu Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) là một trong những mục tiêu của hội nghị lần này.
Với chủ đề năm nay, Hội nghị lần này sẽ thảo luận 3 vấn đề chính là: (1) Thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực, đẩy mạnh phát triển, cải cách và tăng trưởng kinh tế; (2) Tăng cường trao đổi, liên kết toàn diện; (3) Xây dựng cơ sở hạ tầng. Về phía chủ nhà, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương còn cho biết phía Trung Quốc sẽ tập trung vào chủ đề thúc đẩy nhất thể hóa khu vực mà trọng điểm là đẩy mạnh việc xây dựng Khu Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ cơ chế mậu dịch đa phương và phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy sự tiếp nối và hợp tác chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh tự do hóa và tiện lợi hóa đầu tư.
Với tư cách là nước đăng cai hội nghị lần này, Trung Quốc đã có cố gắng về nhiều mặt để làm cho hội nghị thành công tốt đẹp.
Ngoài việc xử lý những vấn đề về nội dung mà các nước còn có quan điểm khác nhau, nhất là giữa các nước và khối các nước có nền kinh tế và thương mại lớn, nước chủ nhà đang có những nỗ lực cả về chính trị và ngoại giao để giảm bớt những mối quan hệ căng thẳng và bất đồng với một số nước, trước hết là các nước láng giềng và cả với những nước có vị trí địa lý xa hơn.
Trung Quốc cũng quyết định đóng cửa tạm thời tất cả các nhà máy gần Thủ đô; hạn chế bớt lưu lượng xe cộ ra vào thành phố này cũng như mật độ khách vãng lai... nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian diễn ra hội nghị.
Tuy hội nghị chưa diễn ra, nhưng các nhà phân tích, giới báo chí theo dõi tình hình đã đưa ra những bình luận và dự báo đầu tiên về sự kiện này. Trước hết người ta nói rằng chương trình nghị sự của Hội nghị APEC lần này được đề ra hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.
Các chủ đề dự kiến sẽ được bàn luận tại hội nghị đều nằm trong số những ưu tiên trong chính sách đối nội của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc thông qua sáng kiến chống tham nhũng. Đây cũng là cơ hội hiếm có để Trung Quốc có thể lôi kéo các nền kinh tế lớn trong khu vực như Australia, Indonesia, Hàn Quốc, thậm chí cả việc hạ nhiệt với Nhật Bản để thuyết phục họ tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Mặc dù một số trong các nước này đang phải chịu sức ép của Mỹ về việc không tham gia AIIB và phớt lờ những cảnh báo từ Mỹ về việc cần phải có cách tiếp cận thận trọng hơn. Báo Mỹ Wall Street Journal thì cho rằng tại hội nghị lần này, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều tìm mọi cách để tranh giành ảnh hưởng với nhau tại khu vực có hàng tỉ tỉ đô la (USD) giá trị kinh tế và thương mại.
Trung Quốc đã tìm mọi cách mở rộng vai trò quốc tế của mình bằng cách thúc đẩy một hiệp ước được mang tên là Khu vực Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực mậu dịch tự do này của Bắc Kinh đã nằm trong chương trình nghị sự của APEC từ nhiều năm qua và lúc đầu cũng được Mỹ thúc đẩy, nhưng sau đó nó đã bị gạt sang một bên để Mỹ dồn sức vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định mà Mỹ đang đàm phán với 11 nước nhưng lại không có Trung Quốc, một nước lớn ở khu vực này tham gia.
Bắc Kinh rất bất bình với việc làm này của Mỹ, vì theo tính toán của các chuyên gia, thỏa thuận TPP của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại khoảng 100 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khi các nước đối tác buôn bán, trao đổi ít hơn với Trung Quốc.
Không rõ ông Tập Cận Bình và ông Barack Obama có gặp nhau trực tiếp tại hội nghị này để giải tỏa những vướng mắc trên giữa Trung Quốc và Mỹ hay không, nhưng người ta đã nói rằng: dưới áp lực của Mỹ, Bắc Kinh đã phải bỏ hai điều khoản từ bản dự thảo Tuyên bố chung APEC dự kiến sẽ được công bố cuối phiên thảo luận của các nhà lãnh đạo.
Tuyên bố chung không còn kêu gọi "nghiên cứu khả thi" về FTAAP và không đặt ra mục tiêu thời gian mà Trung Quốc đề ra là muốn FTAAP được thực thi từ năm 2025 vì Washington lo ngại rằng nếu khởi động sớm FTAAP sẽ cản trở các nỗ lực của Mỹ về TPP vốn đang bị đình trệ về nhiều lĩnh vực.
Hồ Đức Minh