Xung quanh việc Nga triển khai tên lửa Iskander áp sát EU

Ngày 16/12, Nga cho biết các lực lượng vũ trang của nước này đã chuyển các tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới gần hơn biên giới với các nước châu Âu. Động thái này của Nga được đưa ra nhằm đối phó với kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa gây tranh cãi do Mỹ "giật dây" ở châu Âu.

Hệ thống tên lửa tiên tiến Iskander của Nga có tầm bắn 500 km và có khả năng sẽ được sử dụng để phá hủy hệ thống radar và lá chắn mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thông báo này của phía Nga làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và các quốc gia láng giềng của Nga như Ba Lan. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marrie Harf nói: "Chúng tôi đã thúc giục Nga không nên tiến hành các hành động gây bất ổn trong khu vực", và cho biết thêm rằng Mỹ cũng đã thông báo cho Moskva về mối quan ngại của các nước láng giềng của Nga.

Hệ thống tên lửa Iskander-M của Nga.


Ngày 16/12, các nước này cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại của mình. Bộ Ngoại giao Ba Lan gọi động thái di chuyển tên lửa này là "gây rối". Tuyên bố của bộ nêu rõ: "Đây là vấn đề của NATO và chúng tôi có thể hi vọng sẽ có sự thảo luận và hành động của NATO và Liên minh châu Âu (EU)".

Estonia, Litva và Latvia gọi thông tin này là "đáng báo động". Bộ trưởng Quốc phòng Latvia được hãng tin Baltic News Service dẫn lời nói: "Rõ ràng đây là một thông tin đáng báo động vì nó là một trong những chủ đề gây tranh cãi đang làm thay đổi sự cân bằng sức mạnh trong khu vực". Ông nói thêm rằng "một số thành phố thuộc Baltic" bị đe dọa bởi động thái này.

Báo "Bild" của Đức là báo đầu tiên đưa tin hồi cuối tuần trước rằng Nga đã triển khai khoảng 10 hệ thống tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad - nằm chen giữa Ba Lan và Litva - hồi năm ngoái.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga đã phản hồi lại thông tin trên rằng việc triển khai tên lửa của Nga "không vi phạm bất cứ hiệp ước hay thỏa thuận quốc tế nào" và do đó không phải là mục tiêu để phương Tây phản đối.

Điện Kremlin năm 2011 đã cảnh báo rằng Nga có thể bố trí các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung dọc biên giới phía Đông của EU nhằm đối phó với chương trình lá chắn tên lửa của NATO. Trong khi đó, cả Mỹ và liên minh quân sự phương Tây đều cho rằng hệ thống lá chắn này không nhằm vào Nga mà là để bảo vệ phương Tây khỏi các nguy cơ đe dọa từ cái gọi là "các quốc gia nguy hiểm".

Song Moskva lo ngại hệ thống này - trong đó có bao gồm các vệ tinh định vị tên lửa - một ngày nào đó có thể biến thành một vũ khí tấn công nhằm vào đất Nga. Kremlin cũng cho rằng hệ thống lá chắn này trong tương lai có thể được mở rộng tới một mức có thể vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga.

Một báo cáo do hãng tư vấn tình báo toàn cầu Stratfor đóng tại Mỹ soạn thảo và công bố trên trang web WikiLeaks cho biết phần lớn các tên lửa Iskander trước đây được bố trí ở khu vực Siberia và Bắc Caucasus. Stratfor cho biết thêm rằng quyết định bố trí tên lửa ở Kaliningrad - đã được thảo luận từ lâu song trước đây chưa được thực hiện - là một quyết định "khá nhạy cảm về chính trị bởi (các tên lửa Iskander) có thể bắn tới tận nước Đức hoặc loại bỏ được bất cứ hệ thống (phòng thủ tên lửa đạn đạo) nào của Mỹ".


Loại tên lửa tiên tiến - được gọi là Iskander-M - là một trong những vũ khí quan trọng nhất của Nga thời hậu Xôviết và hiện đang nằm trong số các mặt hàng quân sự xuất khẩu có giá nhất của nước này. Theo hãng thông tấn nhà nước ITAR-TASS của Nga, "Iskander là loại vũ khí có thể gây ảnh hưởng tới tình hình quân sự và chính trị ở các khu vực nhất định trên thế giới".

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng sự hạn chế tiền mặt đã ngăn cản lực lượng vũ trang triển khai nhiều hệ thống Iskander như hi vọng ban đầu. Stratfor dự tính rằng chỉ có 60 tên lửa Iskander sẽ "được sản xuất và lắp đặt" cho tới năm 2015 - quá ít để có thể đe dọa nghiêm trọng tới phương Tây.

Nhà phân tích Alexander Konovalov thuộc Viện Đánh giá Chiến lược của Moskva thì cho rằng quyết định triển khai tên lửa Iskander gần hơn với biên giới EU có thể khiến Nga để hở các khu vực nguy hiểm hơn nhiều bên sườn phía Đông và phía Nam nước này. Konovalov nói: "Nếu họ chuyển toàn bộ tên lửa Iskander tới phía Tây thì sẽ không còn đủ để bảo vệ biên giới phía Đông và phía Nam, nơi cũng thực sự cần các tên lửa này".


TTK (theo AFP)
Nga xác nhận triển khai tên lửa Iskander tại Kaliningrad
Nga xác nhận triển khai tên lửa Iskander tại Kaliningrad

Nga xác nhận nước này đang triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M tại tỉnh Kaliningrad, tỉnh giáp với Ba Lan và các quốc gia Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva, đồng thời khẳng định hoạt động triển khai trên không đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN