Bình luận trên trang web của Quỹ Jamestown ngày 15/2, Tiến sĩ Vali Kaleji, chuyên gia Iran nghiên cứu về Trung Á nhận định, thông tin về việc Iran có kế hoạch mua máy bay chiến đấu tiên tiến Sukhoi Su-35 của Nga là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Tehran và Moskva.
Diễn biến này rất có ý nghĩa, vì trong những năm gần đây, các hợp đồng tương tự bán Su-35 của Nga cho Algeria, Ai Cập và Indonesia đã bị hủy bỏ dưới áp lực của Mỹ và mối đe dọa trừng phạt kinh tế. Kết quả là các nước này đã mua máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ hoặc máy bay chiến đấu Rafale của Pháp để thay thế. Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất thành công trong việc mua Sukhoi Su-35 từ Nga trong khi các cuộc đàm phán của Ấn Độ với Moskva vẫn chưa đạt được tiến triển đáng chú ý nào.
Nhưng trong môi trường địa chính trị mới do cuộc xung đột ở Ukraine tạo ra, Iran thực sự có thể trở thành khách hàng mới của máy bay chiến đấu Nga, điều này nhấn mạnh mối quan hệ quân sự đang phát triển giữa Moskva và Tehran. Lần đầu tiên, Tư lệnh Lực lượng Không quân Iran (IRIAF), Chuẩn tướng Hamid Vahedi, chính thức tuyên bố vào 9/2022 rằng “việc mua Su-35 hiện đang được thảo luận, thay vì Su -30”.
Theo Tiến sĩ Kaleji, trong khi các nguồn tin chính thức của Nga không xác nhận cũng không phủ nhận thông báo trên, Shahriar Heidari, thành viên của Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia trong Quốc hội Iran, đã xác nhận vào ngày 15/1 năm nay rằng “các máy bay chiến đấu Su-35 mà Iran đã đặt hàng từ Nga sẽ đến vào quý 2/2023”, lưu ý thêm Tehran cũng đã đặt hàng các thiết bị quân sự khác từ Nga, “như hệ thống phòng không, hệ thống tên lửa và máy bay trực thăng”.
Một số nguồn tin cho rằng Iran sẽ nhận Su-35 để đổi lấy việc xuất khẩu máy bay không người lái sang Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, rất khó để tìm thấy bằng chứng về một hợp đồng chính thức giữa Moskva và Tehran liên quan đến việc mua bán.
Hamidreza Azizi, chuyên gia về Iran tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, cho biết: “Nga tuyên bố sẽ bàn giao 24 chiếc Su-35 cho Iran nhưng có lẽ con số này khó đạt được. Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga đồng nghĩa với việc nước này không thể sản xuất những chiếc Su-35. Một số bộ phận yêu cầu công nghệ đặc biệt không thể tìm thấy ở Nga”.
Có lẽ, lý do trực tiếp nhất khiến Iran mua Su-35 là IRIAF cần hiện đại hóa các phi đội máy bay chiến đấu của mình. Theo các phương tiện truyền thông gần đây, lực lượng không quân của Iran chủ yếu dựa vào các máy bay do Mỹ sản xuất đã được đại tu, bao gồm các máy bay chiến đấu F-5 và F-14 được mua trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Do mối quan hệ đối đầu giữa Iran và Mỹ trong những năm gần đây, Tehran đã không mua bất kỳ máy bay chiến đấu mới nào, ngoại trừ một số máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum của Nga.
Ngoài MiG-29, Iran chủ yếu sử dụng các máy bay F-4 Phantom II, F-14 Tomcat và F-5E/F Tiger II được sửa đổi trong nước từ những năm 1970. Do đó, việc mua máy bay chiến đấu Su-35 của Tehran sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới một số năng lực của IRIAF và có thể đặt nền tảng cho sự hợp tác hơn nữa trong sản xuất quốc phòng giữa Nga và Iran. Theo hãng tin Sputnik của Nga, mặc dù chi phí bảo dưỡng và vận hành những chiếc máy bay phản lực này có vẻ cao đối với Iran, nhưng chúng có thể giảm nếu có các thỏa thuận về việc sản xuất chung động cơ Su-35 tại Iran.
Từ một góc độ khác, việc mua Su-35 sẽ là một trong những kết quả quan trọng nhất từ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Iran. Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vào tháng 7 năm 2015, đã thông qua Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Khi JCPOA bị phá vỡ, tất cả các hạn chế đối với việc cung cấp vũ khí cho và từ Iran đã hết hiệu lực vào tháng 10/2020. Điều này có nghĩa là Iran sẽ có thể mua và bán vũ khí thông thường một cách hợp pháp, bao gồm vũ khí cỡ nhỏ, tên lửa, máy bay trực thăng và xe tăng. Ngoài ra, lệnh cấm vận xuất khẩu tên lửa đạn đạo của Iran sẽ được dỡ bỏ vào tháng 10/2023.
Về ý nghĩa rộng lớn hơn, Su-35 sẽ tăng cường năng lực của IRIAF. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Sputnik, chuyên gia quân sự Iran Mohammad-Hassan Sangtarash khẳng định rằng máy bay này sẽ đặc biệt hiệu quả nếu Iran có thể lắp đặt thêm các thiết bị của họ và nếu được kết nối với mạng lưới radar của Iran, nó sẽ có được khả năng phòng thủ điểm độc đáo. Nếu Iran mua công nghệ (của Nga0 và bắt đầu sản xuất chung số lượng lớn (Su-35), thì nước này có thể giành được lợi thế nhất định trước các máy bay chiến đấu và tàu chiến” của các nước láng giềng, bao gồm cả Azerbaijan.
Hơn nữa, việc Iran mua máy bay chiến đấu Su-35 sẽ ảnh hưởng đến cán cân sức mạnh không quân trong khu vực với các quốc gia Arập ở Vịnh Ba Tư, đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Bahrain và Saudi Arabia, tất cả đều có quan hệ căng thẳng với Iran. Do đó, các quốc gia này và có thể là thêm những nước khác chuyển sang sử dụng nhiều vũ khí hơn từ phương Tây, đặc biệt là máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Thỏa thuận Su-35 cũng có tác động đến mối quan hệ căng thẳng kéo dài với Israel, vì các máy bay chiến đấu tiên tiến từ Nga sẽ cải thiện khả năng phòng thủ và phòng ngừa của Iran trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Israel.
Mặc dù vậy, chuyên gia Iran Mohsen Jalilvand lại đưa ra quan điểm khác: “Sức mạnh quốc phòng và quân sự của Iran dựa vào khả năng răn đe, trên cơ sở sức mạnh tên lửa và máy bay không người lái. Điều này có nghĩa là sức mạnh răn đe quân sự và quốc phòng của Iran không dựa vào lực lượng không quân và máy bay chiến đấu. Do đó, các máy bay chiến đấu tối tân không phải là bước ngoặt trong khả năng phòng thủ của Iran”.
Tóm lại, khi việc mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 của Nga được hoàn tất, đó sẽ là một trong những thương vụ mua vũ khí quan trọng nhất ở Iran kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Ngoài việc hiện đại hóa và tăng cường khả năng của lực lượng không quân Iran, thỏa thuận cũng sẽ đưa mối quan hệ quốc phòng và quân sự mới chớm nở giữa Tehran và Moskva sang một giai đoạn mới, điều này sẽ có những tác động quan trọng đối với sự cân bằng quyền lực và khả năng răn đe trên khắp Nam Caucasus và Trung Đông.