Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhiều năm qua các đơn vị chức năng thành phố Đà Nẵng đã tổ chức rà soát, kiểm tra, vận động người dân tháo dỡ công trình, tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Từ năm 1994 đến năm 1998, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (tiền thân là Ban Quản lý rừng cấm quốc gia Sơn Trà giai đoạn 1987 - 1997) đã thực hiện 416 hợp đồng khoán 767,6 ha đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân. Trong số này, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định thu hồi 192,8 ha giao lại cho các dự án du lịch tại Sơn Trà, còn lại 574,8 ha đất lâm nghiệp do các tổ chức, cá nhân đang sử dụng theo 253 hợp đồng khoán của ban quản lý rừng. Phần lớn các diện tích nhận khoán của hộ gia đình, cá nhân đều nằm trong phạm vi đất quy hoạch sử dụng khác sau khi điều chỉnh quy hoạch phạm vi ranh giới Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, tính đến tháng 3/2022, có 574,8 ha đất lâm nghiệp do các tổ chức, cá nhân đang sử dụng theo 253 hợp đồng khoán của ban quản lý rừng. Cụ thể, đất lâm nghiệp có rừng và chưa có rừng quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là 296 ha do các tổ chức, cá nhân đang sử dụng theo 116 hợp đồng khoán của ban quản lý rừng; Đất lâm nghiệp có rừng và chưa có rừng quy hoạch sử dụng khác ngoài mục đích lâm nghiệp nhưng chưa được chuyển mục đích sử dụng có 278,8 ha do các tổ chức, cá nhân đang sử dụng theo 137 hợp đồng khoán của ban quản lý rừng.
Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng ghi nhận có các vi phạm liên quan đến sử dụng đất nhận khoán trên bán đảo Sơn Trà gồm: Sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích; chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; chuyển nhượng, mua bán đất trái phép; xây dựng công trình phục vụ kinh doanh, du lịch trái phép; trong đó, cơ quan chức năng đã xác định có trường hợp xây dựng công trình phục vụ ở và kinh doanh, du lịch trái phép.
Sau khi xác định các đối tượng vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép của các tổ chức, cá nhân nhận khoán theo hợp đồng khoán của ban quản lý rừng, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã đề nghị UBND quận Sơn Trà chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quận nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan để xử lý vi phạm; Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và UBND phường Thọ Quang báo cáo, đề xuất UBND quận Sơn Trà quyết định hủy bỏ các Hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp của các Ban quản lý rừng trước đây đối với các trường hợp vi phạm nội dung Hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ (quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước); trên cơ sở đó thu hồi toàn bộ diện tích giao khoán có xảy ra vi phạm để giao lại cho Hạt Kiểm lâm và UBND phường quản lý theo quy hoạch.
Trả lời phóng viên về việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm trên bán đảo Sơn Trà trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) Lê Thị Kim Thương cho hay, phường được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý, tháo dỡ các công trình trái phép trên bán đảo Sơn Trà. Đầu năm 2022, UBND phường Thọ Quang đã cử lực lượng tiến hành tháo dỡ một công trình xây dựng làm quán kinh doanh trái phép theo hợp đồng giao khoán. Trong năm 2022, phường Thọ Quang sẽ tiếp tục vận động, tháo dỡ, xử lý 18 trường hợp vi phạm.
Theo bà Lê Thị Kim Thương, trong quá trình xử lý, UBND phường Thọ Quang gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đảm bảo tính chất pháp lý vì mỗi hợp đồng giao khoán của từng hộ phải sử dụng, áp dụng điều khoản để căn cứ lập biên khác nhau; ngoài ra, nhiều người dân cũng yêu cầu hỗ trợ, thanh lý tài sản trên đất nên việc xử lý vi phạm kéo dài...
Theo kiểm kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, tính đến năm 2016, tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng trên bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang) là 5.054,1 ha, trong đó đất có rừng có 3.728,6 ha, đất chưa có rừng là 1.325,5 ha (đất thổ cư, hồ nước, sử dụng khác có 1.275,9 ha).