Ngăn chặn khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép

Những tháng cuối năm, tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn diễn ra hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cần có biện pháp mạnh tay với nạn khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.


Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, trong 9 tháng năm 2015, lực lượng Kiểm lâm đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 334 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó xử lý vi phạm hành chính 332 vụ, khởi tố hình sự 2 vụ; tang vật thu giữ gần 254 m3 gỗ tròn và gỗ xẻ các loại, 240 Ste củi, 16,8 kg động vật rừng, lâm sản khác là 3, tấn... Lực lượng chức năng cũng tịch thu phương tiện phục vụ cho việc khai thác lâm sản trái phép gồm 51 xe máy, 27 cưa xăng, 5 khẩu súng săn... Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán đấu giá tang vật, phương tiện là trên 2,9 tỷ đồng.

Trong số các vụ vi phạm, đáng chú ý là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ xảy ra vào tháng 9 vừa qua. Lực lượng Kiểm lâm và Công an huyện Bạch Thông đã phát hiện 24 cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ. Tiến hành rà soát, điều tra, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bạch Thông đã tạm giữ hình sự 12 đối tượng người xã Cao Sơn. Kiểm lâm huyện Bạch Thông và Khu bảo tồn Kim Hỷ đang tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để sớm điều tra làm rõ, đưa vụ án ra xét xử để đề cao tác dụng răn đe, giáo dục của pháp luật.

Theo ông Hoàng Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, những tháng cuối năm lúc nông nhàn là thời điểm “nóng” của những vụ phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Lực lượng Kiểm lâm phải “căng mình” thường xuyên tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn việc khai thác lâm sản, chặt phá rừng trái phép. Bên cạnh đó, việc quản lý và bảo vệ rừng tận gốc còn nhiều hạn chế. 

Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa được triển khai sâu rộng, chưa mang lại hiệu quả. Nhận thức của người dân sống trong các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia, vùng đệm còn nhiều hạn chế nên dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, tiếp tay cho lâm tặc để khai thác gỗ và lâm sản trái phép. Nhu cầu sử dụng gỗ, đặc biệt là gỗ quý hiếm ngày càng lớn, lợi nhuận cao nên đã lôi cuốn nhiều người dân địa phương tham gia chặt gỗ trái phép gây khó khăn trong công tác ngăn chặn, xử lý.

Để từng bước hạn chế và ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các sở, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền để quần chúng nhân dân biết và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08; vận động, hướng dẫn các hộ dân thực hiện nghiêm Quy chế về quản lý, sử dụng cưa xăng và các phương tiện độ, chế tại các Khu bảo tồn và Vườn quốc gia; địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản, khoáng sản trái pháp luật thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Đức Hiếu
Đắk Nông: Nạn phá rừng tăng đột biến
Đắk Nông: Nạn phá rừng tăng đột biến

Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 285 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích 267,5 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN