Đắk Nông: Nạn phá rừng tăng đột biến

Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 285 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích 267,5 ha.


So với năm 2014, số vụ phá rừng tăng 35 vụ (14%), diện tích rừng bị mất tăng gấp 2,4 lần. Các địa phương bị mất rừng nhiều là thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong.

Cụ thể, thị xã Gia Nghĩa mất 130 ha, huyện Đắk Glong mất 65,8 ha, huyện Đắk Song mất 35,8 ha, các huyện khác mất từ 0,1 ha đến 22,3 ha. Những điểm nóng phá rừng bao gồm: khu vực rừng thông thuộc Bản Đắk Lép, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song; các tiểu khu thuộc công ty TNHH Gia Nghĩa quản lý: 1705, 1691 (xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa), tiểu khu 15, 1697 (xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong)... Đối với các vụ phá rừng, lực lượng Kiểm lâm các huyện, thị xã đã lập hồ sơ xử lý. Đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 157 vụ/40,2 ha, xử lý hình sự 60 vụ/134,6 ha.

Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, tình hình phá rừng năm nay diễn biến phức tạp, gia tăng đột biến, đặc biệt là tại thị xã Gia Nghĩa. Tình trạng phá rừng năm nay khác những năm trước, lâm tặc phá rừng có tổ chức, nhiều người tham gia và phá rừng với diện tích lớn; các đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ, xô xát gây thương tích cho cán bộ quản lý, bảo vệ rừng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông: nguyên nhân do chủ rừng không đủ năng lực bảo vệ rừng, buông lỏng quản lý, chưa có sự chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương trong công tác bảo vệ rừng dẫn đến việc rừng bị phá với diện tích lớn mà không có biện pháp ngăn chặn. Các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng có biểu hiện tiêu cực, thoái hóa biến chất, ngại va chạm hoặc bao che, tiếp tay cho các đối tượng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, ông Tài cho biết thêm.

Cũng theo ông Tài, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND huyện và các ngành chức năng giải tỏa, thu hồi triệt để diện tích đất do phá rừng mà có, giao lại cho các đơn vị chủ rừng khắc phục hậu quả không để tái chiếm. Lực lượng Kiểm lâm sẽ phối hợp với Công an, Quân đội bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, truy quét, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật. Tại các khu vực điểm nóng, các ngành chức năng sẽ cắm chốt, trực trạm 24/24, tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng.

Ngọc Minh
Ngăn chặn phá rừng trồng sắn
Ngăn chặn phá rừng trồng sắn

Đến nay, ngành sắn chưa có quy hoạch như ngành cà phê, cao su, lúa gạo. Diện tích sắn vẫn đang tiếp tục tăng. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận thấy vấn đề này và tác động của việc tăng diện tích sắn tới cơ cấu sản xuất của một số cây trồng khác và tài nguyên rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN