Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bất chấp việc Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế mới nổi liên tục thay phiên cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam vẫn đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ phía Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED).
Trong khi đó, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng tăng trưởng tín dụng các ngân hàng năm nay có thể chậm, ước đạt 12,5%, thấp hơn so với mức 13% của năm 2018, do lãi suất có xu hướng neo ở mức cao và các chính sách quản lý tín dụng thận trọng hơn của Chính phủ cũng như NHNN.
Thực tế từ đầu tháng 7, nhiều ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó lãi suất tiết kiệm online của các ngân hàng có sự chênh lệch lớn. Hiện mức lãi suất đang dao động từ 5,5-8%/năm. Cụ thể, mức lãi suất ở kỳ hạn dưới 6 tháng của nhiều ngân hàng đa phần đều là 5,5% - chạm trần lãi suất cho phép của NHNN. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất dao động đến 8%. Lãi suất huy động tăng khiến lãi suất cho vay tín chấp, thế chấp cũng tăng theo.
Cùng chung quan điểm, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cũng nhận thấy hiện nay quy mô cho vay tín dụng của Việt Nam là tương đối cao, với dự kiến áp dụng Basel II vào năm 2020, theo dự tính sẽ gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động tín dụng để đầu tư mới mà còn trong cả việc đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh cơ bản.
Không chỉ tín dụng giảm tốc, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ gặp thêm khó khăn và dự báo sẽ khó cải thiện trong năm nay, khi áp lực tăng lãi suất huy động gia tăng. Tuy nhiên, theo dự báo các chuyên gia kinh tế, trong 6 tháng cuối năm 2019, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ mang đến những dấu hiệu tích cực hơn, nhất là Luật đầu tư công (sửa đổi) được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình giải ngân.
Theo chuyên gia kinh tế, TS- LS Bùi Quang Tín, NHNN vẫn đang điều hành chính sách tài chính rất linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến trong nước và quốc tế. Thời gian tới, NHNN cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, đi cùng với kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Dù vậy, nợ xấu vẫn là nỗi lo thường trực, các ngân hàng phải hết sức thận trọng khi rót vốn tín dụng. Đặc biệt, sau sự kiện G20 tại Nhật Bản và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, doanh nghiệp Việt sẽ bị tác động không nhỏ nếu không cẩn trọng trong việc minh bạch xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu, do Mỹ có thể sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nhiều mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ có thể áp giá thuế nếu nghi ngờ những mặt hàng này xuất khẩu đột biến sang Mỹ với giá rẻ, trong đó chủ yếu là các nhóm ngành gỗ và đồ nội thất; máy móc và thiết bị điện; sắt thép và sản phẩm liên quan; nhựa. Hay việc đồng Yen (Nhật) biến động bất thường gây sức ép lên thị trường tiền tệ, tỷ giá trong nước... Theo đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị các ngân hàng phải rất chú ý, không những rủi ro tín dụng mà cả những rủi ro về kinh doanh ngoại hối, về nguồn vốn... cũng phải được tính toán, theo sát chặt chẽ.