Quang cảnh phiên tòa xét xử. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đồng thời, Hội đồng xét xử còn giải thích thêm rằng nội dung này đã được thể hiện tại trang 9, bản Cáo trạng số 39 ngày 26/7/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Trong đó, nêu rõ: Đối với số tiền hơn 157 tỷ đồng không có chứng từ của bị can Châu Thị Thu Nga, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã lấy lời khai của những người Châu Thị Thu Nga khai đưa tiền, nhưng những người này đều không thừa nhận. Tiến hành đối chất giữa Nga và những người liên quan đến việc nhận tiền nêu trên, cả bị can Châu Thị Thu Nga và những người mà Nga khai đã đưa tiền đều giữ nguyên lời khai. Về việc Nga khai sử dụng số tiền hơn 157 tỷ đồng (trong đó có khoản 1,5 triệu USD), do thời hạn điều tra đã hết, nên ngày 9/6/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định số 10/C46-P11 tách nội dung này để điều tra làm rõ.
Vì vậy, theo giới hạn xét xử qui định tại Điều 196 - Bộ luật Tố tụng Hình sự, tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố. Do đó, tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử không đặt vấn đề xem xét hành vi của các đối tượng liên quan đến khoản chi hơn 157 tỷ đồng nói trên. Đồng thời, tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử cũng đã kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi của các đối tượng liên quan đến khoản chi hơn 157 tỷ đồng để đảm bảo quyền lợi cho những khách hàng đã góp vốn vào Công ty Housing Group tại Dự án B5 Cầu Diễn.
Tại phiên tòa, nhiều bị hại cho rằng trách nhiệm bồi thường dân sự phải thuộc về Housing Group chứ không phải cá nhân bị cáo Châu Thị Thu Nga. Bởi các thỏa thuận, hợp đồng vay vốn họ ký trực tiếp với pháp nhân là Housing Group. Theo bà, ý kiến của các bị hại có hợp lý không?
Về vấn đề này, Hội đồng xét xử giải quyết theo qui định của pháp luật như sau: Bị cáo Châu Thị Thu Nga là chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện phạm tội và là người sử dụng, hưởng lợi toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt được, trong đó có các khoản chi có chứng từ chi của Housing Group và các khoản chi không có chứng từ.
Tại phiên tòa, đại diện Housing Group xác nhận trách nhiệm của Công ty đối với các khoản Nga chi có chứng từ chi của Công ty. Các khoản chi không có chứng từ thì Châu Thị Thu Nga phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, những người bị hại cũng đề nghị Housing Group phải có trách nhiệm với họ do họ nộp tiền theo hợp đồng góp vốn và phiếu thu có dấu của Công ty. Vì vậy, Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự, các Điều 604, 605, 606, 608 Bộ luật Dân sự buộc Châu Thị Thu Nga và Housing Group phải liên đới bồi thường cho người bị hại số tiền chiếm đoạt.
Xin bà cho biết, cơ quan tố tụng có những biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho các bị hại trong vụ án?
Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã niêm phong và kê biên một số tài sản của Công ty Housing Group, Liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC của vợ chồng Châu Thị Thu Nga để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại. Bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Châu Thị Thu Nga và Công ty Housing Group phải có trách nhiệm liên đới bồi thường tổng số tiền hơn 242 tỷ đồng mà Châu Thị Thu Nga đã chiếm đoạt. Ngoài ra, để đảm bảo tối đa quyền lợi của bị hại, Hội đồng xét xử tiếp tục cho kê biên các tài sản của Công ty Housing Group, Liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC để đảm bảo thi hành án. Đây là một trong các biện pháp đảm bảo hữu hiệu nhất và đúng pháp luật hiện hành.
Trân trọng cảm ơn Thẩm phán!