Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của người dân, bởi đã có hàng ngàn mét vuông đất canh tác bị sạt lở.
Tàu hút cát hoạt động tấp nập Từ trung tâm xã Phước Cát 2, men theo dòng sông Đồng Nai đến thôn Vĩnh Ninh sẽ thấy nhiều tàu hút cát hoạt động tấp nập trên đoạn sông dài khoảng 5km.
Tại điểm tập kết cát, gần 10 chiếc tàu lớn neo trên sát bên bờ để “đẩy” cát lên bãi tập kết. Phía trên, nhiều loại máy hoạt động hết công suất dù trời đã nhá nhem tối. Cùng phóng viên đến mép bờ sông, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 Đoàn Ngọc Nam cho biết: Chắc có động nên các tàu mới nằm bờ sớm như vậy. Cách đây mấy ngày hàng chục tàu hoạt động rầm rộ cả một khúc sông.
Một đoạn sông Đồng Nai vắng bóng thuyền hút cát sau khi có quyết định tạm dừng khai thác của tỉnh Lâm Đồng. |
Đoạn sông trên được tỉnh Bình Phước cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Trường Phát (tỉnh Bình Phước) khai thác cát trong 3,5 năm, kéo dài đến hết năm 2018. Trữ lượng khai thác theo giấy phép là 311.899 m3, công suất khai thác 40.000 m3/năm.
Trong quá trình khai thác, công ty này huy động gần 10 tàu lớn (công suất từ 80 - 120m3/tàu) liên tục hút cát. Thậm chí còn tổ chức khai thác vào ban đêm và lén lút hút cát sát bờ, khoảng cách các tàu khai thác quá gần nhau đã gây sạt lở cả hai bên bờ sông.
Ông Đoàn Ngọc Nam bức xúc: Cấp phép là vậy nhưng không có đơn vị nào giám sát trữ lượng khai thác của công ty. Cao điểm chúng tôi thấy hàng chục tàu hút cát hoạt động trên sông.
Từ năm 2016, UBND xã Phước Cát 2 tổ chức nhiều đợt truy quét tàu hút cát trong đêm và lập biên bản, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đồng thời cũng có văn bản yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Trường Phát cam kết khai thác đúng vị trí cấp phép (cách bờ 15m trở lên, khoảng cách khai thác giữa các tàu tối thiểu 100m, thời gian hút cát từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều…). Tuy nhiên đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Đất canh tác trôi xuống sông Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng bà Ngô Thị Phú (thôn Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2) vẫn chưa hết bức xúc khi chứng kiến mảnh vườn trồng cỏ cho bò của gia đình bị trôi xuống sông do tàu hút cát áp sát khai thác ngày đêm. Quan sát thực tế, một đoạn bên bờ sông có chiều dài gần 50m bị sạt lở từ bờ sông vào gần 20m, tổng diện tích bị sạt lở khoảng 800 m2.
Bà Phú kể: Mấy lần tàu hút cát áp sát bờ để khai thác, tôi xua đuổi nhưng không được. Đất vườn bị sạt lở họ nói sẽ đền bù cho gia đình tôi nhưng mấy lần thương lượng đến nay họ chưa đưa được đồng nào.
Lâm vào cảnh tương tự, vườn cây trồng rộng hàng trăm mét vuông của gia đình ông Lục Văn Thành (thôn Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2) bị sạt lở xuống sông. Tuy nhiên đến nay ông cũng chưa nhận được tiền đền bù.
Theo thống kê của UBND xã Phước Cát 2, thôn Vĩnh Ninh có 28 vị trí sạt lở thuộc diện tích đất của 16 hộ, với tổng diện tích sạt lở hơn 8.000 m2. Tại thôn Phước Thái cũng xuất hiện tàu hút cát trái phép khai thác vào ban đêm và gây sạt lở 14 vị trí của 9 hộ với tổng diện tích thiệt hại 4.479 m2.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Huỳnh Trí, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cát Tiên, cho rằng, một số tổ chức được cấp phép khai thác nhưng không thực hiện theo giấy phép, vi phạm trong hoạt động khai thác đã được cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cố tình tái phạm, gây bức xúc cho người dân và làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Trong tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Phước phối hợp quản lý hoạt động khai thác cát tại sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa 2 địa phương. Trong đó, có nội dung đề nghị tỉnh Bình Phước tạm dừng khai thác cát 3 tháng đối với giấy phép mà địa phương này đã cấp cho đơn vị tại sông Đồng Nai. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa có kết quả.