GIỚI TRẺ THỜ Ơ VỚI NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Cả làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc chỉ còn 8 nghệ nhân đã ngoài 70 tuổi, ai cũng cũng lo lắng sau khi về với tổ tiên thì con cháu không gắn bó với nghề và để nó dần mai một. Chính quyền phường Vạn Phúc không khỏi băn khoăn khi lớp trẻ không yêu nghề, thoát ly hết, làm cho lao động gắn bó với nghề dệt lụa truyền thống của làng bị già hóa, không có người kế thừa.
Tiếng máy dệt tại các xưởng ở làng nghề lụa truyền thống Vạn Phúc đang hoạt động náo nhiệt. Thăm một số xưởng sản xuất, chúng tôi ngạc nhiên vì chỉ thấy phụ nữ cao tuổi dùng bông bịt tai làm bên những cỗ máy ồn ào.
Làm cho đỡ nhớ nghề
Tại góc khuất xưởng dệt, trong tiếng máy ồn ào, bà Nguyễn Thị Tỵ, 78 tuổi đang miệt mài se tơ. Vào độ tuổi xế chiều, bà có thể ngồi nhà để hưởng thụ tuổi già và để con cháu phụng dưỡng, nhưng do nhớ nghề nên muốn đi làm. Bà Tỵ cho biết: “Nhà tôi trước kia cũng làm nghề dệt lụa, mấy năm lại đây con cháu không theo nghề nên bỏ. Tôi tiếc nghề nhưng cũng đành chịu, vì mình đã già, lấy đâu người mà làm. Đi làm thuê, vừa có tiền tiết kiệm, vừa đỡ nhớ nghề…”. Bà Tỵ đưa ra lý do mà lớp trẻ không theo nghề dệt lụa là việc ít, thu nhập thấp, chỉ có người già không có việc khác để làm nên mới gắn bó với nghề này.
Bà Nguyễn Thị Tỵ tuổi đã cao nhưng vẫn yêu quý nghề dệt truyền thống của ông cha truyền lại. |
Tại một số xưởng sản xuất, lao động chỉ là những người già trên 50 tuổi. Theo thống kê của UBND phường Vạn Phúc, độ tuổi tham gia nghề dệt lụa ở địa phương hiện nay là trên 35 tuổi và điều này cũng là tiềm ẩn nỗi lo về sự kế thừa nghề truyền thống đã có hơn nghìn năm tuổi. Ông Đỗ Văn Hiển, chủ cơ sở sản xuất dệt lụa cần mẫn thiết kế hoa văn in trên lụa. Tôi hỏi về người kế thừa nghề của gia đình, ông Hiển chỉ tay sang cậu con trai 23 tuổi nói: “Cháu mới học cao đẳng ra trường, đang chờ liên hệ việc nên về phụ giúp bố mẹ, chứ quyết tâm không theo nghề của tôi đâu”. Ngồi bên, cậu con liền nói: “Ở nhà làm nghề lụa thu nhập thấp, được chăng hay chớ, liệu có phát triển không? Bạn bè trong làng đều đã thoát ly đi làm xa, có ai chịu kế thừa nghề này đâu”.
Tại xưởng dệt của ông Đỗ Văn Hiển, chị Nguyễn Thị Thu, 33 tuổi phải dùng bông bịt kín tai, vì tiếng máy ồn. Nói chuyện, chị Thu phải tháo bông ở tai và chúng tôi phải ghé sát mới nghe được. Chị Thu cho biết: “Mới làm nghề dệt được 3 năm, tôi không thích nghề này, nhưng do phải ở nhà chăm lo cho chồng con nên đành phải đi làm để có thêm thu nhập”.
Giải thích thắc mắc của chúng tôi về thế hệ kế thừa của làng nghề hiện nay và sau nữa. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm nói: “Mỗi gia đình có hai đến ba người con, dù gái hay trai thì bố mẹ cũng cố gắng vay mượn để con học cao đẳng, đại học. Học xong, các cháu phải đi làm xa, không có lớp trẻ đeo bám nghề này là đúng”. Theo bà Tâm, nghề dệt lụa rất khó và yêu cầu người làm phải tỷ mỉ từng hoa văn, chi tiết, vất vả mà thu nhập không cao nên con cháu không mấy mặn mà. Nói xong, bà đọc 2 câu thơ người xưa đúc kết lại, như chứng minh lời mình nói về sự khéo léo của người làm nghề dệt lụa Hà Đông: “Quay tơ ra mắc, ra mành/ Mắc thì làm dọc, mành thì làm ngang”.
Nâng cao đời sống người làm nghề
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Một trong những khó khăn nhất của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hiện nay là lớp trẻ không yêu nghề nên ít em gắn bó, mặc dù, mỗi năm địa phương mở hai đến ba lớp đào tạo nghề, do chính các nghệ nhân truyền thụ, mỗi lớp kinh phí đầu tư khoảng 60 triệu đồng. Về lâu dài thì lấy ai để đào tạo và ai là người truyền nghề?”.
Tại các xưởng dệt, lao động chủ yếu là người cao tuổi. |
Trao đổi công tác đào tạo nghề và kế thừa nghề truyền thống của lớp trẻ của địa phương, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chỉ lắc đầu. Ông nói: “Làng nghề được hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp truyền nghề, nhưng hầu như không có lớp trẻ tham gia. Nghệ nhân cao tuổi sẽ dần mất đi, người trẻ không yêu nghề, tâm huyết với nghề thì còn ai để nối nghề tổ tiên để lại…”.
Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, cả làng nghề hiện có 100 hộ sản xuất, 150 cửa hàng buôn bán và 500 hộ tham gia làm nghề. Theo Đề án số 2 tháng 4/2016 về phát triển thương mại và du lịch giai đoạn 2016 - 2020 của quận Hà Đông, phần giải pháp nêu rõ chú trọng công tác đào tạo nghề và hỗ trợ phát triển nghề truyền thống như: Tổ chức các lớp đào tạo, nhân cấy nghề, truyền nghề tại làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề; hỗ trợ Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc tổ chức các lớp đào tạo thiết kế mẫu thời trang, lớp học ngoại ngữ, tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc…
Ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông cho rằng: “Muốn lao động gắn bó với nghề với chủ lâu dài, bền vững thì phải đáp ứng cuộc sống của họ. Nếu công được trả xứng đáng, thì không cần lao động trên địa bàn mà lao động lân cận sẽ tìm đến để làm nghề. Với thực trạng này, thì đáng lo lắng”. Tuy nhiên, ông Thanh vui mừng vì thành phố Hà Nội đã có chủ trương, kế hoạch xây dựng Đề án làng nghề dệt lụa du lịch quốc tế Vạn Phúc. Như vậy, cơ sở hạ tầng của làng nghề sẽ được đầu tư xây dựng, thu hút khách du lịch và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, sẽ thu hút con em địa phương ở lại làm nghề và gắn bó với nghề truyền thống này.
“Các sở, ngành của thành phố vẫn chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề dệt lụa phát triển. Bản thân chúng tôi trước đây không có lương, làm vì trách nhiệm và uy tín của các hội viên bầu. Hiệp hội không có ngân sách hoạt động. Các sở liên quan phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ để các làng nghề không bị mai một”. Ông Đỗ Văn Thúc, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa tơ tằm TP Hà Nội |