“MA TRẬN” LỤA THẬT GIẢ
Những người có thâm niên làm nghề ở làng lụa Vạn Phúc cho biết các sản phẩm lụa Vạn Phúc bày bán tại các cửa hàng của làng lụa không còn thuần nhất, mà trà trộn gần nửa là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mỏi mắt tìm lụa "chuẩn"
“Các bạn muốn đến Vạn Phúc mua lụa hay dẫn bạn bè, khách du lịch đến đây mua lụa thì tôi khuyên nên ghé những cửa hàng sau đây…”, vừa nói, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, vừa nhanh tay ghi danh những cửa hàng mà ông chắc chắn “bán sản phẩm lụa Vạn Phúc 100%” cho chúng tôi.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm giới thiệu lụa Vạn Phúc cao cấp. |
Nói đến làng lụa Vạn Phúc, người ta hình dung ngay đến những cửa hiệu bày bán lụa là gấm vóc là sản phẩm của làng. Nhưng đó là câu chuyện của những ngày xưa, còn giờ đây, đến làng lụa Vạn Phúc, muốn tìm một sản phẩm lụa “chính hiệu” sản xuất tại làng nghề này quả là điều không dễ. Phản ánh đúng thực trạng này, dọc con phố chính mang tên “Phố lụa Vạn Phúc” là các cửa hàng san sát nhau, hầu hết tên cửa hiệu đều được gắn chữ “Silk” (lụa) đằng sau tên chủ hàng. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là đập vào mắt khách tham quan, mua hàng không phải tất cả đều là lụa, mà tại rất nhiều cửa hàng, những sản phẩm bày bán là quần áo các thể loại với những chất liệu và xuất xứ khác nhau.
Chúng tôi ghé vào một cửa hàng trên biển hiệu ghi rõ “chuyên bán buôn bán lẻ lụa tơ tằm”, nhưng bày ra ngay trước cửa hàng lại là rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc vì tất cả đều chỉ ghi “made in Vietnam”. Không thấy chủ cửa hàng, cô bé bán hàng giới thiệu với khách rất nhiều sản phẩm, nhưng khi hỏi có phải hàng làm tại Vạn Phúc không thì cô trả lời: “Các sản phẩm này là nhập thêm về bán từ bên ngoài nhưng em cũng không biết nhập từ đâu”.
Anh Đỗ Văn Hiển, chủ cửa hiệu Cẩm Hoa Viên cho biết: “Đối với các sản phẩm lụa, khách hàng hầu như sẽ không thể phân biệt được lụa Vạn Phúc, lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng), lụa tơ tằm 100%, lụa pha,… nếu không có sự trung thực chia sẻ của chủ cửa hàng. Chính vì vậy, khách hàng rất dễ mua phải sản phẩm không đúng ý của mình vì sự trà trộn rất nhiều loại hàng trong một cửa hiệu, mà chủ cửa hiệu thì sẽ tùy từng khách mà giới thiệu mặt hàng. Ai sành thì mua được hàng chuẩn, còn người không thì đành chịu.
Về giá cả cũng rất vô cùng khi có chiếc váy giá 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng cũng có chiếc váy giá chỉ 300.000 - 400.000 đồng. Khi hỏi thì người bán hàng cũng chỉ nói do công và nguyên liệu làm khác nhau, chứ không nói rõ xuất xứ sản phẩm. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng, chỉ có thể ít nhiều phân biệt được lụa Vạn Phúc và chất lượng của lụa khi sử dụng. Nếu lụa “chuẩn” từ làng lụa Vạn Phúc thì mặc không nhăn, giặt không phai, mát mịn.
Ghi rõ xuất xứ trên biên lụa
Khi được hỏi về nguyên nhân sự trà trộn hàng thật, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ phổ biến tại các cửa hiệu tại làng lụa Vạn Phúc, ông Đỗ Văn Thúc, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa tơ tằm Hà Nội cho rằng: “Nguyên nhân chính là do thị trường. Việc tiêu thụ lụa truyền thống gặp nhiều khó khăn do giá cả thường cao hơn so với các loại lụa có xuất xứ từ những nơi khác, nhất là so với các mặt hàng Trung Quốc”.
Ông Thúc cho biết, vài năm gần đây, giá tơ tằm tăng lên rất nhiều, mà làng lụa Vạn Phúc không có vùng nguyên liệu, phải nhập tơ từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) nên giá nguyên liệu đầu vào thường rất cao. Những năm 2008 - 2010, giá tơ chỉ từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, thời điểm này đã là 1,3 triệu đồng/kg, tơ cao cấp có giá tới 2 triệu đồng/kg. Tính trung bình một chiếc áo lụa cần 2,5 m lụa, 1,5 lạng tơ mới làm ra một mét vải loại tốt, chi phí cho một chiếc áo dao động ở mức 450.000 - 500.000 đồng, chưa kể công. Trong khi đó, giá các sản phẩm tơ bóng (một loại sợi tổng hợp) hay tơ hóa học (tơ nhân tạo và tơ tổng hợp) giá chỉ ở mức 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. Đây là lý do các chủ hiệu trà trộn hàng hóa để có thể nhập nhèm ăn chênh lệch giá cả nếu khách hàng không am hiểu về sản phẩm.
Chính quyền phường Vạn Phúc cũng đồng thuận với các chủ cửa hàng, cho bày bán sản phẩm không phải lụa Vạn Phúc, để thêm phong phú mặt hàng và phát triển du lịch. Họ cho rằng về mặt pháp lý, các chủ cửa hiệu đều có quyền nhập hàng các nơi khác về bán, song điều đáng nói là chủ hàng không ghi rõ xuất xứ và không trung thực với khách hàng về chất lượng hàng hóa. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (TP Hà Nội) Đỗ Thị Thu Hà cho biết: “Thời gian qua, nhiều khách hàng đến phản ánh với chính quyền đã mua phải hàng giả, hàng nhái. Phường đã thành lập Tổ kiểm tra thuộc Trung tâm Kinh doanh lụa chất lượng cao do Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc làm tổ trưởng. Theo đó, có quy chế xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh không trung thực trong việc nêu rõ xuất xứ hàng hóa. Cơ sở để xử lý là kiến nghị của khách hàng”.
Tuy nhiên, theo bà Hà đó cũng mới là giải pháp tình thế, về lâu dài tập trung vào việc yêu cầu các hộ sản xuất đầu tư làm những bộ hoa văn mới gắn tên chủ hộ, địa chỉ, số điện thoại lên biên vải để khách hàng thấy rõ nguồn gốc xuất xứ. Để khuyến khích cách làm này, đối với các hội viên thuộc Hợp tác xã Dệt lụa Vạn Phúc khi làm một bộ hoa văn sẽ được hỗ trợ 10% chi phí. Hiện trên địa bàn có 26 hộ đã làm 97 bộ hoa văn mới có tên chủ hộ.
“Các đoàn khách du lịch tới mua sắm, hướng dẫn viên yêu cầu chủ hàng phải chia đôi doanh thu. Nếu cửa hàng không đồng ý với mức "ăn chia" này thì ngay lập tức hướng dẫn viên sẽ đưa khách sang hàng khác và không bao giờ quay lại, vì vậy buộc phải đồng ý. Trong điều kiện tiêu thụ sản phẩm khó khăn như hiện nay, thì "vấn nạn" này càng khiến làng lụa Vạn Phúc mất khách và về lâu dài sẽ mất luôn cả uy tín làng nghề”. Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hiệu Hồng Silk ở làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) |