Sinh sống trên địa bàn có địa hình chia cắt, hiểm trở, đời sống của người Mảng phụ thuộc vào tự nhiên, cộng thêm nhiều hủ tục, vì vậy điều kiện sống còn nghèo đói và lạc hậu. Những năm gần đây, nhờ công tác xây dựng Đảng được thực hiện hiệu quả và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Mảng nơi cuối trời Tây Bắc đã từng bước đổi thay. Phóng viên TTXVN có loạt gồm bốn bài đề cập về công tác xây dựng Đảng và chính quyền ở vùng đồng bào dân tộc Mảng.
Đời sống còn nhiều khó khăn
Chúng tôi có dịp cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc vào các bản người Mảng của xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) để tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu về dân tộc này. Bà Đỗ Thị Tấc cho biết, người Mảng quan niệm rằng trời sinh ra họ, trời cũng cho họ thức ăn để sống. Rừng còn củ mài, củ sắn, rau quả, suối còn tôm, cá, khe còn cua, ếch... rừng còn chim muông, thú, họ không lo... chết đói. Mâm cơm của người Mảng chỉ cần có chục cái măng nấu lõng bõng nước cũng có thể đủ cho vài chục lượt người uống hết 20 - 30 lít rượu. Cuộc sống nối dài thâu đêm suốt sáng, hết rượu lại thêm rượu, đàn ông, phụ nữ và thậm chí cả trẻ em khoảng trên 10 tuổi cũng "bò ra ngoài sân rồi lại bò vào mâm rượu".
Ông A Hương, 86 tuổi, dân tộc Mảng ở bản Nậm Sảo I, xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) cho biết, trước kia người Mảng sống trong các hang đá và phụ thuộc vào thiên nhiên, không có quần áo mặc, đói rét. Phong tục tập quán lạc hậu, lại sinh sống ở nơi có điều kiện sản xuất khó khăn nên gieo trồng cây lương thực một vụ sau đó người Mảng lại chuyển đi nơi khác.
Trung tá Phạm Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) là người có thâm niên công tác trong vùng người Mảng lâu năm cho biết, người Mảng còn uống rượu nhiều, tỷ lệ sinh - tử là năm mươi - năm mươi. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban cho biết, đầu những năm 2000, người Mảng đã về ở tập trung tại những nơi thuận lợi hơn nhưng tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, tệ nạn xã hội còn tồn tại dai dẳng nên cuộc sống vẫn nghèo đói. Đồng bào còn sinh sống theo kiểu dựa vào tự nhiên và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ ở nhà tranh tre rách nát, lụp sụp và xiêu vẹo, tài sản không có gì ngoài các bức phên liếp. Trẻ em sinh ra còi cọc, nheo nhóc, từ lúc nhỏ đã phải theo bố mẹ lên rẫy, ít được đến trường học chữ. Nhiều em chỉ học hết bậc tiểu học là bỏ học để lấy vợ lấy chồng, vì thế mà tỷ lệ mù chữ trong đồng bào dân tộc Mảng còn cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở vùng đồng bào Mảng hầu như không có gì hoặc chỉ tạm bợ.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, từ năm 2010 trở về trước, 100% người Mảng là hộ nghèo, đời sống dựa vào thiên nhiên và biệt lập với bên ngoài. Thực trạng này khiến người Mảng bị tụt hậu so với nhiều dân tộc khác trong vùng. Cuộc sống bữa no bữa đói, trẻ em không có quần áo, người lớn ăn mặc rách rưới… Một số trường hợp được Nhà nước hỗ trợ gạo, tấm tôn lợp nhà xong lại đem ra quán đổi lấy rượu về uống.
Những hủ tục lạc hậu
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mảng, trong thế giới có sự tồn tại của các thế lực siêu nhiên (ma, quỷ). Theo họ, cái gì cũng có ma, từ sông, suối, đất đá, cỏ cây, muông thú đều có ma. Vì vậy, phải mời thầy mo để cúng làm phép đuổi tà ma ra khỏi người, ra khỏi gia đình và làng bản.
Theo kết quả điều tra của Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc Mảng do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu thực hiện năm 2010, có 400 người được hỏi quý trọng ai nhất, có hơn 50% người trả lời là quý trọng thầy mo. Điều này khẳng định rằng, đời sống người Mảng hiện nay vẫn còn phổ biến ý thức mê tín dị đoan, cúng bái và tồn tại những hủ tục lạc hậu không phù hợp.
Người Mảng còn quan niệm rằng: "Khi con gái đi lấy chồng sinh con, những đứa con ấy mang họ khác, không còn là con ma của nhà mình, nên con của anh em trai và con của chị em gái được quyền tự do tìm hiểu xây dựng gia đình". Chính tập quán hôn nhân cận huyết cùng với sự hiểu biết của người dân còn quá thấp nên đã xảy ra tình trạng tảo hôn dẫn đến sự suy thoái giống nòi của dân tộc này.
Bà Lý Thị Chướng, dân tộc Mảng ở bản Nậm Sảo I, xã Trung Chải, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) cho biết, trước kia người Mảng mê tín dị đoan, tin vào thần thánh siêu nhiên. Người dân bị ốm đau, bệnh tật không đưa đến trạm y tế, bệnh viện để được chữa trị mà gia đình lại mượn thầy mo về cúng đuổi con ma. Đặc biệt, hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến khiến người dân tộc Mảng có tuổi thọ thấp hơn các dân tộc thiểu số khác trong vùng… Bà Chướng chia sẻ: “Nếu về các bản người Mảng, hỏi người dân có kết hôn cận huyết thống không, tất cả trả lời không. Nhưng nếu hỏi ở bản có trường hợp nào con anh trai lấy con chị gái, con chị gái lấy con em gái hay không..., họ sẽ trả lời là có”.
Theo kết quả khảo sát của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu (năm 2006 - 2007), tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mảng chiếm tới 80%, tỷ lệ kết hôn cận huyết thống chiếm khoảng 20%. Lãnh đạo của đơn vị cũng cho biết, dân tộc Mảng là một trong những dân tộc có tuổi thọ thấp nhất ở Lai Châu hiện nay. Bình quân tuổi thọ của người Mảng chỉ ở ngưỡng 50. Nguyên nhân khiến tuổi thọ của người Mảng thấp có thể do điều kiện sống, thói quen sinh hoạt, đặc biệt là tình trạng kết hôn cận huyết thống trước đây.
Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu đã thống kê, hiện người Mảng chỉ có hơn 4.200 nhân khẩu, cư trú tại 9 xã, 20 bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn. Tỷ lệ đói nghèo của người Mảng cao, ít người học lên cao và đi công tác ở nơi khác. Tính đến thời điểm cuối năm 2011, cả tỉnh Lai Châu người Mảng có 540 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mảng có đến 529 hộ nghèo.
Bài 2: Củng cố tổ chức Đảng, chính quyền