Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã xây dựng một lực lượng không quân lớn nhất trên thế giới. Với một loạt đơn vị thiết kế hàng không nổi tiếng như Mikoyan-Gurevich, Sukhoi and Tupolev, Không quân Liên Xô là nơi tập trung nhiều các chiến đấu cơ công nghệ cao trong khối Xô viết.Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đồng nghĩa với việc các quốc gia tách ra từ Liên bang Xô Viết được thừa hưởng hàng ngàn máy bay chiến đấu, tấn công, ném bom và vận tải. Nga cũng đã thừa kế những tài sản này từ Không quân Liên Xô. Giờ đây, sau gần một phần tư thế kỷ, Nga đang trở lại như là một cường quốc không quân. Lực lượng Không quân Nga hiện nay đang được biên chế các máy bay chiến đấu đa năng mới. Những chiến đấu cơ mới này cùng với các máy bay cũ được nâng cấp, sẽ tạo thành xương sống của Không quân Nga trong nhiều thập kỷ tới.
PAK FA Dự án hàng không tham vọng nhất của Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, PAK FA, là phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của nước này. “PAK FA” là tên viết tắt của “Perspektivnyi Aviacionnyi Kompleks Frontovoi Aviacii”. Là một sản phẩm của Sukhoi, PAK FA bắt đầu được phát triển vào tháng 4/2002 sau khi công ty này giành được gói thầu thiết kế một máy bay chiến đấu mới.
Giống như một chiếc Su-27 Flanker, PAK FA sẽ là một chiến đấu cơ tàng hình, có khả năng bay siêu tốc, được trang bị các loại tên lửa không đối không, không đối đất và chống tàu thế hệ mới nhất. Chiếc máy bay này sẽ được trang bị một radar mảng pha quét điện tử chủ động và một bộ cảm biến quang-điện tử để theo dõi và đánh chặn các mục tiêu.
Chuyến bay đầu tiên của PAK FA diễn ra vào ngày 29/1/2010 và kéo dài 47 phút từ nhà máy sản xuất máy bay Yuri Gagarin ở vùng Viễn Đông của Nga. Hiện có 5 mẫu thử nghiệm Sukhoi PAK FA, với hơn 450 chuyến bay thử nghiệm tính đến cuối năm 2013. Việc sản xuất máy bay này cho Không quân Nga được xác định là sẽ bắt đầu vào năm 2016. Một biến thể của máy bay chiến đấu này, T-50, đang được phát triển chung giữa Nga và Ấn Độ. Nga dự định mua khoảng 400 - 450 máy bay chiến đấu PAK FA trong giai đoạn 2020 - 2040.
Su-25 FrogfootVào cuối những năm 1960, Không quân Liên Xô đã thông báo ý định trình làng một máy bay chiến đấu như là một máy bay yểm trợ trên không. Đến năm 1972, nguyên mẫu Su-25 đã xuất hiện trên bầu trời. Giống như A-10, Su-25 ưu tiên trọng tải hơn tốc độ. Su-25 được mô tả như là một “chiếc xe tải bom” với khả năng mang theo 4 tấn vũ khí, trong đó có các loại tên lửa không đối đất và tên lửa không đối không. Su-25 Frogfoot được trang bị 2 khẩu pháo GSh-30-2 cỡ nòng 30mm để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Su-25 đã tham chiến trong một loạt các cuộc xung đột, bắt đầu ở Afghanistan (1979-1989), các cuộc chiến tranh thời hậu Xô Viết ở Chechnya, Chiến tranh vùng Vịnh Persian và hiện nay là cuộc xung đột ở Ukraine. Phiên bản mới nhất của Frogfoot là Su-25SM với khung máy bay được nâng cấp, tích hợp một màn hình cảnh báo sớm, định vị vệ tinh GLONASS và một máy thu cảnh báo radar.
Khoảng 180 chiếc Su-25 được cho là vẫn còn đang hoạt động trong lực lượng vũ trang Nga và dự kiến 80 chiếc sẽ được nâng cấp lên chuẩn Su-25SM vào năm 2020.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bear Đây là một trong những chiếc máy bay lâu đời nhất và hiệu quả nhất trong kho vũ khí của Nga. Máy bay ném bom Tupolev Tu-95 Bear đã được phát triển cách đây ít nhất 60 năm hoặc 70 năm nếu tính thực tế nó là hậu duệ của chiếc Boeing B-29 Superfortress. Không quân Nga giao cho Tu-95 các nhiệm vụ tầm xa, trong đó có các chuyến bay tuần tra trong phạm vi khoảng 80km từ bờ biển California (Mỹ), vòng quanh Nhật Bản, và các chương trình tầm xa khác của quân đội Nga.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95. |
Tu-95 ban đầu là một máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa, nhưng sau đó nó bị lỗi thời với các nhiệm vụ trên, khi hệ thống phòng thủ hạt nhân chiến lược của Mỹ được cải thiện khiến cho các máy bay ném bom chiến lược khó xâm nhập. Do vậy, Tu-95 đã phát triển thành một máy bay mang tên lửa hành trình hạt nhân.
Trong những năm qua, Tu-95 đã được nâng cấp và trở thành một máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải. Với tốc độ và tầm xa của mình, Tu-95 có khả năng truy lùng các hạm đội và các tàu hộ tống ở khu vực Bắc Đại Tây Dương và sau đó hoặc là tấn công chúng với tên lửa hành trình hoặc hướng dẫn lực lượng hải quân và không quân khác tấn công. Trong Chiến tranh Lạnh, Tu-95 được cho là có khả năng phát hiện các lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay Mỹ và sau đó định hướng cho máy bay ném bom chiến lược được trang bị tên lửa hành trình Backfire tấn công. Hiện có khoảng 55 chiếc Tu-95 vẫn đang phục vụ trong lực lượng Không quân Nga.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack Đây là loại máy bay ném bom hạng nặng cuối cùng của Liên Xô và là máy bay lớn nhất từng được chế tạo. Tu-160 "Blackjack" được sản xuất từ năm 1980 đến năm 1992. Blackjack là máy bay ném bom có khả năng nhất của Nga, có thể hoạt động vào ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết trong khi mang theo một lượng lớn tên lửa hành trình hạt nhân.
Đầu những năm 1970, Cơ quan Hàng không Tầm xa của Liên Xô đưa ra dự án về một loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ mới với các tính năng: siêu thanh, thay đổi hình dạng cánh (máy bay ném bom hạng nặng "cánh cụp cánh xoè") với tốc độ tối đa lên tới Mach 2.3, để cạnh tranh với dự án máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ, có khả năng thâm nhập vào khu vực không phận được bảo vệ ở cả tầm thấp và tầm cao. Sau một giai đoạn phát triển kéo dài, Tu-160 bay lần đầu tiên vào ngày 18/12/1981.
Tu-160 của Không quân Nga. |
Được mệnh danh là "Thiên nga trắng" tại Nga, với kiểu dáng đẹp và sử dụng bốn động cơ phản lực cánh quạt đẩy đốt hai lần NK-32, loại động cơ mạnh nhất từng được lắp cho máy bay chiến đấu, Tu-160 có tốc độ tối đa 2.000 km/giờ và bay liên tục 14.000 km mà không cần nạp thêm nhiên liệu. Tu-160 cũng được trang bị một hệ thống nạp nhiên liệu trên không cho phép tăng tầm hoạt động. Loại máy bay này được trang bị một radar tấn công ("Obzor-K", NATO: "Clam Pipe") và một radar theo dõi mặt đất "Sopka" riêng biệt, khiến nó có chế độ bay hoàn toàn tự động theo địa hình ở độ cao thấp. Tu-160 có một máy ngắm ném bom điện quang, và các hệ thống phòng thủ điện tử (ECM) tích hợp chủ động và thụ động.
Tu-160 có thể mang theo khoảng 40 tấn vũ khí, trang bị trong hai khoang chứa vũ khí, trong đó có cả tên lửa hành trình hạt nhân AS-15 "Kent". Tên lửa này là một thiết kế động cơ phản lực cánh quạt đẩy tầm thấp với tầm bắn 2.500km. Tu-160 có thể mang 12 tên lửa AS-15.
35 chiếc Tu-160 đã được chế tạo trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và hiện nay đã ngừng sản xuất. 19 chiếc đã được triển khai ở Ukraine, trong đó có 11 chiếc bị loại bỏ theo Chương trình Nunn-Lugar. 8 chiếc đã được bán lại cho Nga. 16 chiếc có thể đang hoạt động hoặc đang được nâng cấp. Mặc dù không phải là một lực lượng ném bom hạt nhân lớn, nhưng cùng lúc 16 chiếc Tu-160 có thể phóng 192 tên lửa hành trình hạt nhân, mỗi quả tương đương với 200.000 tấn thuốc nổ, trong khi quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima tương đương với khoảng 16.000 tấn thuốc nổ.
Su-35 Flanker Được xây dựng như một “cầu nối” giữa loại máy bay chiến đấu cũ Su-27 và thiết kế thế hệ thứ năm PAK FA, Su-35 là giải pháp lấp chỗ trống của Nga cho đến khi một phi đội PAK FA khả thi xuất hiện. Trong một số phương diện, Su-35 là sự pha trộn của cả hai thế hệ, giống như Su-27 nhưng kết hợp các hệ thống hiện đại có khả năng sẽ được tích hợp cho PAK FA.
Su-35 có các hệ thống điện tử, động cơ đẩy và hệ thống vũ khí được nâng cấp. Hệ thống kiểm soát radar Irbis được tích hợp trên máy bay Su-35S có thể phát hiện mục tiêu trên không ở khoảng cách kỷ lục, lên đến 400km, và cùng lúc có thể theo dõi tới 30 mục tiêu cũng như đánh chặn 8 mục tiêu. Ngoài ra, hệ thống Irbis giúp cho Su-35S có khả năng chủ động phát hiện và theo dõi lên đến 4 mục tiêu trên mặt đất cùng một lúc. Su-35S cũng được trang bị một hệ thống định vị có khả năng xác định chính xác vị trí của máy bay và các thông số chuyển động của nó một cách độc lập, mà không cần đến định vị vệ tinh hoặc liên lạc với các trạm ở mặt đất. Điều đó có nghĩa là, nếu các hệ thống định vị (GPS hoặc GLONASS) không hoạt động, thì Su-35S cũng không bị "mù".
Su-35 của Không quân Nga. |
Để phòng thủ, Su-35 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Khibiny-M, cùng với thiết bị gây nhiễu SAP KNIRTI 14 và 518 mà khi được kết hợp với nhau có thể gây nhiễu các radar của NATO ở tần số D đến tần số J. Các thiết gây nhiễu này cũng có thể tạo ra các mục tiêu giả và mô phỏng các máy bay khác.
Hai động cơ của Su-35, một biến thể của NPO Saturn AL-41 và tương tự như phiên bản của FA PAK, giúp cho loại máy bay này có khả năng cơ động đặc biệt trong một trận không chiến. Khung máy được chế tạo một phần bằng titan, giúp giảm trọng lượng trong khi tăng cường độ vững chắc. Các vật liệu hấp thụ radar cũng được tích hợp tại các khu vực trọng điểm trên khung máy bay.
Su-35 có thể mang theo một số lượng lượng lớn và đa dạng các loại vũ khí. Một chiếc Su-35 có 14 điểm gắn các loại vũ khí, thiết bị làm nhiễu, thùng nhiên liệu và các thiết bị cảm biến bổ sung. Ví dụ về 2 loại tên lửa mà Su-35 có thể mang theo là K-77ME, một phiên bản của tên lửa không đối không K-77 và Kh-59 - tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
Su-35S có khả năng đạt tốc độ tối đa khoảng 2.400km/giờ và có tầm hoạt động lên tới 3.600km. Đây là một "chiến binh” đáng tin cậy, một chiến đấu cơ đánh chặn tầm xa và là máy bay ném bom mang tên lửa. Đến nay, Nga đã đặt hàng 48 máy bay chiến đấu Su-35.
Công Thuận (N.I)