Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, phát biểu tại một cuộc họp nội các, Tổng thống Aliyev đã khẳng định quan điểm trên, đồng thời nêu rõ tất cả các tổ chức quốc tế đã được cung cấp thông tin đầy đủ về các hành động tại khu vực biên giới chung giữa nước này và Armenia. Khi tình hình cho phép, Azerbaijan sẽ đưa đại diện tùy viên quân sự nước ngoài và các nhà báo đến khu vực đã xảy ra đụng độ giữa quân đội hai nước trong những ngày vừa qua.
Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Azerbaijan được đưa ra ít ngày sau khi đụng độ vũ trang đã xảy ra trên biên giới giữa nước này và Armenia từ ngày 12/7 vừa qua và kéo dài trong 3 ngày. Ngày 15/7, giới chức quốc phòng hai nước đã xác nhận tình hình tại biên giới đã trở nên yên tĩnh từ đêm 14/7 và xác nhận 11 binh sĩ Azerbaijan và 1 dân thường thiệt mạng, trong khi phía Armenia có 4 binh sĩ thiệt mạng.
Azerbaijan và Armenia vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra. Azerbaijan nhiều lần đe dọa dùng vũ lực khôi phục kiểm soát Karabakh, trong khi Armenia tuyên bố sẽ đập tan mọi cuộc tấn công quân sự.