Ông Pompeo cũng bày tỏ tin tưởng rằng hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể tìm ra một hướng đi.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị ngoại trưởng NATO, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Có nhiều cơ hội tốt cho Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để hợp tác chặt chẽ hơn”. Ông Pompeo cho biết đã có cuộc đối thoại thoại “dài và tốt đẹp” với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 3/4.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu ngày 3/4 vừa qua tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gây sức ép với ông Cavusoglu về việc Ankara dự định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Bên cạnh đó, ông Pompeo cảnh báo các hậu quả "thảm khốc" có thể xảy đến nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy ngày 4/4 nói rằng thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ không phản ánh đúng nội dung cuộc họp giữa 2 quan chức trên và thậm chí còn nêu những vấn đề không được đưa ra thảo luận tại cuộc họp. Tuy nhiên, ông Aksoy không nêu cụ thể.
Trong một diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc nói rằng không xem xét việc thành lập một nhóm công tác chuyên môn với Thổ Nhĩ Kỳ về bất đồng liên quan tới kế hoạch của Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, một ngày sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đề xuất thành lập nhóm này.
Bất chấp những bất đồng liên quan tới kế hoạch trên của Ankara, người phát ngôn Lầu Năm Góc Charlie Summers tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện các phi công Thổ Nhĩ Kỳ trên 2 máy bay tiêm kích F-35 tại căn cứ không quân Luke, ở bang Arizona. Người phát ngôn Summers cho biết Mỹ không có kế hoạch lấy lại 2 máy bay tiêm kích trên.
Một sĩ quan Không quân nói rằng một máy bay chiến đấu F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đã được chuyển đến khu huấn luyện tại căn cứ không quân Luke. Đây là máy bay đầu tiên trong 2 máy bay dự kiến được chuyển đến căn cứ này. Chiếc máy bay còn lại sẽ đến căn cứ Luke trong ngày 5/5.
Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm góc Summers cho biết Mỹ sẽ dừng việc cung cấp và các hoạt động liên quan tới chương trình F-35 đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho tới khi Ankara từ bỏ hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga. Theo người phát ngôn này, nếu vẫn mua S-400, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia chương trình F-35 sẽ gặp rủi ro.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ không thay đổi hợp đồng vũ khí lớn đã ký với Nga, bất chấp việc Mỹ dừng chương trình bàn giao máy bay F-35 cho Ankara. Ông cũng nhấn mạnh rằng hợp đồng S-400 không phải là một dấu hiệu cho thấy sự ấm lên trong quan hệ Nga - Thổ.
Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua 100 máy bay chiến đấu F-35A cùng chương trình huấn luyện phi công tại Mỹ. Nhà sản xuất F-35 Lockheed Martin cho biết giá trị các hợp đồng chế tạo các bộ phận F-35 với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên tới 12 tỷ USD.