Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan tiết lộ thông tin trên ngày 8/12 tại Diễn đàn Quốc phòng Quốc gia Reagan 2024.
Ông Sullivan cũng bác bỏ cáo buộc rằng hỗ trợ quân sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden dành cho Ukraine đã “quá muộn”. Theo Cố vấn An ninh Nhà Trắng, Ukraine đã nhận được nhiều vũ khí nhất có thể nhờ Mỹ.
Ông Sullivan nhấn mạnh: “Đối với F-16, Tổng thống Biden đã đồng ý gửi tiêm kích này đến Ukraine từ tháng 5 năm ngoái. Hiện nay đã là tháng 12/2024, nhưng chỉ có số lượng hạn chế phi công được được đào tạo. Không phải vì chúng tôi không sẵn sàng để đào tạo họ mà bởi Ukraine không có đủ phi công để xây dựng năng lực F-16 đầy đủ kịp thời gian”.
Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết sẽ chuyển giao tổng cộng 60 tiêm kích F-16 cho Ukraine. Gần đây nhất, Đan Mạch đã chuyển F-16 cho Ukraine trong tuần đầu tháng 12.
Một số người ủng hộ cho rằng F-16 là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong xung đột tại Ukraine. Nhưng vào cuối tháng 8, một chiếc F-16 đã rơi. Các quan chức Ukraine khẳng định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do lỗi của phi công. Vụ việc rơi F-16 vào tháng 8 khiến một số quan chức Mỹ cho rằng Ukraine đã quá vội vã đưa tiêm kích này tham chiến.
Ukraine hy vọng F-16, được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ và nhiều vũ khí khác, có thể phối hợp với các vũ khí phương Tây như hệ thống phòng không Patriot để mở rộng khu vực nguy hiểm đối với phi công Nga. Kiev cũng mong muốn tiêm kích F-16 giúp tăng thêm một lớp bảo vệ cho các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái.
Một yếu tố hạn chế lớn khác là số lượng nhân viên bảo dưỡng và hỗ trợ để duy trì hoạt động của F-16. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân –Tướng Charles Q. Brown, từng là một phi công điều khiển F-16 lâu năm, vào tháng 6 vừa qua chia sẻ: “Không chỉ phi công. Bảo dưỡng cũng là một phần quan trọng cũng như việc đào tạo nhân viên bảo dưỡng”.