Tiêm kích F-16
Tiêm kích F-16 Fighting Falcon là chiến đấu cơ hạng nhẹ, được thiết kế từ những năm 1970. F-16 do Mỹ liên doanh với Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy chế tạo. Chiếc máy bay này được đưa vào sử dụng lần đầu hồi năm 1979 và lực lượng Không quân Mỹ đã rất nhiều lần sử dụng loại chiến đấu cơ này trong cả hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Loại máy bay này có thể di chuyển với tốc độ gấp đôi âm thanh, dần trở thành một trong những máy bay quân sự phổ biến nhất mọi thời đại và hiện vẫn được sử dụng rộng rãi. Tập đoàn Lockheed Martin, nhà sản xuất vũ khí Mỹ, cho biết có trên 3.000 chiếc F-16 đang phục vụ tại 25 quốc gia.
Hiện nay Mỹ thay thế phần lớn F-16 bằng F-35, nhưng Tập đoàn Lockheed vẫn sản xuất F-16 để phục vụ thương mại ở Nam Carolina, do loại máy bay chiến đấu này có giá rẻ hơn, chỉ vài chục triệu USD và không phải lúc nào Mỹ cũng cho phép xuất khẩu loại máy bay phản lực hiện đại hơn.
Tại sao Ukraine muốn sở hữu F-16?
Theo tổ chức IISS, Ukraine có một lực lượng không quân nhỏ bao gồm các máy bay phản lực tiêu chuẩn của Liên Xô khi chiến sự bắt đầu nổ ra, lên tới khoảng 120 máy bay có khả năng chiến đấu. Tuy nhiên, số lượng đã giảm dần khi cuộc chiến kéo dài. Dần dần, khi cuộc chiến còn tiếp diễn, lực lượng không quân của Ukraine sẽ cần được bổ sung.
Một điểm gây tò mò của cuộc xung đột ở Ukraine chính là cả hai bên đều hạn chế sử dụng sức mạnh không quân. Dù hệ thống phòng không của Nga được cho là hiệu quả, Moskva vẫn không lựa chọn mạo hiểm triển khai lực lượng không quân bên ngoài chiến tuyến. Một phần là vì họ muốn giảm thiểu tổn thất. Cựu tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove mô tả tình hình trên không trong cuộc xung đột Nga – Ukraine là “sự từ chối lẫn nhau”.
Tuy nhiên, Kiev đang lên kế hoạch mở một cuộc tấn công vào mùa xuân, chuẩn bị đối phó với nỗ lực của Moskva nhằm phá vỡ thế bế tắc quân sự hiện tại. Bất chấp rủi ro, hy vọng của họ là các phi đội máy bay phản lực nhanh, có thể được sử dụng để hỗ trợ các bước đột phá, hoặc ít nhất là giúp ngăn chặn cuộc tấn công hàng loạt của Nga.
Quan điểm của phương Tây
Ukraine đã thuyết phục phương Tây cung cấp một số máy bay chiến đấu F-16, nhưng hôm 30/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định dứt khoát: “Không”. Tuyên bố này cho thấy triển vọng cung cấp máy bay chiến đấu nhanh chóng khó có thể xảy ra. Song, Mỹ trước đó từng thay đổi quan điểm về việc gửi các loại vũ khí khác tới Ukraine, chẳng hạn xe tăng. Không rõ giới chức Mỹ đã thảo luận về vấn đề chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine hay chưa.
Tuy nhiên, quan điểm của Nhà Trắng là rất quan trọng. Mỹ có quyền kiểm soát việc tái xuất máy bay phản lực này và sẽ không có quốc gia nào không đồng tình với Washington, do lo ngại Nga có thể trả đũa.
Hôm 30/1, Ba Lan, một trong những quốc gia ủng hộ giúp Ukraine mua F-16, nhấn mạnh rằng nước này sẽ chỉ hành động cùng các đồng minh NATO. Anh và Đức cũng đã loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine trong những ngày qua.
Tuy nhiên, Pháp, quốc gia tự sản xuất máy bay chiến đấu, dường như có suy nghĩ cởi mở hơn. Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine không phải là “lằn ranh đỏ” của Pháp, miễn là động thái này không gây leo thang xung đột và vũ khí của họ không được sử dụng để nhắm vào lãnh thổ Nga.
Vấn đề huấn luyện điều khiển và bảo trì F-16
Điều khiển chiến đấu cơ F-16 là nhiệm vụ cần các phi công có nhiều kinh nghiệm. Họ sẽ được đưa ra khỏi vùng chiến sự để huấn luyện. Ukraine đã lựa chọn 50 phi công để đào tạo ngay lập tức. Nhưng chưa có bằng chứng cho thấy có khóa đào tạo nào đang diễn ra.
Hơn nữa, có thể mất từ 4 tới 6 tháng để đào tạo phi công điều khiển thành thạo F-16 trong chiến đấu.
Ông Douglas Barrie, chuyên gia tại IISS, cho biết: “Một chiếc máy bay phải đi kèm với gói vũ khí, đội ngũ mặt đất và hỗ trợ”. Điều này có nghĩa là Ukraine sẽ cần nhiều linh kiện và đào tạo đội ngũ kỹ sư riêng. Nó phức tạp hơn học cách sử dụng xe tăng phương Tây".
Liệu F-16 có thể thay đổi cục diện chiến trường Ukraine?
Một phần của câu hỏi này đó là làm thế nào để Ukraine sở hữu nhiều máy bay F-16? Lực lượng không quân Ukraine đã mạnh dạn đề xuất 200, số lượng mà ngay cả một quốc gia phương Tây hào phóng cũng có thể từ chối cung cấp.
Ông Justin Bronk, nhà phân tích không quân của tổ chức tư vấn Rusi, cảnh báo rằng sức mạnh của lực lượng phòng không Nga sẽ khiến việc ném bom vào các vị trí của đối phương rất khó thực hiện, vì máy bay buộc phải bay tầm thấp để tránh bị phát hiện. Kết quả, lợi thế về vũ khí và radar của Nga chỉ có thể gia tăng.
“Còn các máy bay chiến đấu của phương Tây sẽ cải thiện khả năng giúp Ukraine tiêu diệt các mục tiêu cố định của Nga gần tiền tuyến từ một khoảng cách an toàn hơn. Nhưng Ukraine vẫn cần bổ sung lựa chọn tấn công hiện có, như hệ thống pháo HIMARS và các loại vũ khí trong kho dự trữ hạn chế”, ông Bronk nhận định.