Lý do NIS đưa ra nhận định này là bởi trong tháng 8, Hàn Quốc sẽ nhập vũ khí tối tân như máy bay chiến đấu F-35A, và tập trận chung với Mỹ. Những hoạt động này sẽ trở thành cái cớ để Triều Tiên khiêu khích. Mặt khác, Bình Nhưỡng sẽ cần triển khai các hoạt động nhằm cải thiện hệ thống vũ khí của mình trước khi chính thức bắt đầu đàm phán với Washington.
NIS đánh giá trong tháng 7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hạn chế các hoạt động công khai, tập trung vào việc gửi đi thông điệp tới Mỹ và Hàn Quốc. Trong tháng trước, nhà lãnh đạo này chỉ có 8 lần tham gia các sự kiện công khai, gồm 3 sự kiện quân sự và 5 sự kiện chính trị, ít hơn nhiều so với 20 hoạt động vào cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên tại Làng đình chiến Panmunjom hôm 30/6 vừa qua, Triều Tiên đã đưa ra một số thông điệp đối ngoại hòa hảo, nhưng từ trung tuần tháng trước, Bình Nhưỡng đã liên tục chỉ trích việc Seoul nhập vũ khí tối tân và tập trận quân sự chung với Washington.
Trong vòng chưa đầy một tuần qua, Triều Tiên đã hai lần phóng các vật thể bay mà Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Các vụ phóng ngày 25/7 và 31/7 được cho là động thái nhằm thúc ép Mỹ và Hàn Quốc sớm có hành động cụ thể khi mà nhiều yêu cầu của Bình Nhưỡng trong thời gian qua không được đáp ứng.
Cũng trong ngày 1/8, Triều Tiên đã công bố những hình ảnh có độ phân giải cao về vụ phóng tên lửa mới nhất hôm 31/7, đồng thời mô tả đây là vụ thử "hệ thống tên lửa dẫn đường đa nòng cỡ lớn đời mới". Truyền hình nhà nước Triều Tiên cũng đã chiếu hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa.
Quân đội Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng ra ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước, đồng thời nói rằng những tên lửa này đã bay được khoảng 250 km và đạt độ cao khoảng 30 km trước khi rơi xuống biển.