Theo tuyên bố chính thức ngày 12/11, cuộc thử nghiệm do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất các hệ thống vũ khí của Ấn Độ, thực hiện.
Kênh RT (Nga) nhận định diễn biến này được coi là bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm củng cố công nghệ quân sự.
Tên lửa trong thử nghiệm đã được thiết kế để tấn công chính xác vào mục tiêu trên mặt đất ở tầm xa, có thể được phóng từ cả hệ thống di động trên mặt đất và tàu chiến tiền tuyến.
Cuộc thử nghiệm thành công phản ánh mục tiêu của New Delhi là đạt được tự chủ về trang thiết bị quân sự. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã nhắc đến mục tiêu này trong sáng kiến “Atmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự lực).
Trong quá trình phóng, tên lửa đã thể hiện khả năng của công nghệ dẫn đường tiên tiến, đồng thời bắn trúng mục tiêu được chỉ định với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bày tỏ: “Thành tựu này mở đường cho các chương trình phát triển nội địa tên lửa hành trình trong tương lai”.
Theo truyền thông địa phương, tên lửa được thử nghiệm hoàn toàn là sản phẩm của Ấn Độ, với hầu hết linh kiện cũng khai thác trong nước.
Dưới đây là video về cuộc phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa tấn công mặt đất của Ấn Độ ngày 12/11 (nguồn: X/DRDO)
Trước đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin quân đội nước này chuẩn bị thử nghiệm một tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa mới, có khả năng tấn công chiến hạm hoặc tàu sân bay đang di chuyển ở khoảng cách hơn 1.000km.
Ấn Độ đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm tên lửa quan trọng trong những tháng gần đây, bao gồm tên lửa hành trình cận âm Nirbhay, có tầm bắn 1.000km.
Vào tháng 9, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn phóng thẳng đứng Astra. Tên lửa này được tối ưu hóa để phóng từ đất liền hoặc tàu chiến chống lại tên lửa hành trình chống hạm tốc độ cao, thiết bị bay không người lái và các mối đe dọa tương tự.
Cùng tháng 9, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-4. Đầu năm nay, quân đội nước này đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo Agni-VI có với tầm bắn từ 1.000 đến 2.000km.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), mặc dù đạt được một số thành tựu về sản xuất vũ khí nội địa, Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 36% lượng mua vũ khí toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2023. Trong cùng thời kỳ, Nga vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ.