Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, ông Pashinyan cũng cho rằng cần phải có một sự thỏa hiệp được tất cả các bên chấp nhận.
Cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev bày tỏ tin tưởng Azerbaijan và Armenia có thể giải quyết cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh sau gần 30 năm đàm phán. Tuy nhiên, ông cảnh báo quân đội Azerbaijan sẽ giành tất cả các khu vực xung quanh khu vực này nếu Armenia tiếp tục có "hành động tiêu cực".
Phát biểu với đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Aliyev cho biết các lực lượng Azerbaijan đã kiểm soát 2 trong 5 khu vực lớn của Karabakh và nước này sẽ giành hết toàn bộ vùng trừ khi Armenia đồng ý rút quân khỏi khu vực theo một lịch trình cụ thể. Ông Aliyev cũng khẳng định các tổ chức quốc tế, như Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), sẽ hành động để giải quyết vấn đề này sau 28 năm đàm phán thất bại.
Khi được hỏi về đề xuất của Nga triển khai các quan sát viên quân sự tới Nagorny-Karabakh, ông Aliyev cho hay động thái này cần được thảo luận nhằm hướng tới kết thúc cuộc xung đột và phải nhận được sự chấp thuận của Azerbaijan.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc Armenia sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U bắn vào lãnh thổ của Cộng hòa tự trị Nakhichevan. Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, thông báo trên trang web của bộ trên nêu rõ tên lửa được bắn đi vào ngày 15/10 từ huyện Gubadli sau đó đã rơi và phát nổ ở vùng Ordubad của Nakhichevan. Vụ việc không gây thương vong cho dân thường và hư hại các công trình dân sự.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo các đơn vị Azerbaijan đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn ở hướng Bắc Nagorny-Karabakh, khởi đầu là các trận pháo kích. Phía Armenia tuyên bố họ đã đẩy lui các lực lượng Azerbaijan, khiến đối phương tổn thất đáng kể.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Với vai trò trung gian của Nga, ngày 10/10, các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã nhất trí một lệnh ngừng bắn nhân đạo. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.