Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu điện đàm

Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi hợp tác quốc tế để chấm dứt các cuộc xung đột nghiêm trọng tại khu vực Nagorny-Karabakh tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau trận pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 11/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo mới của điện Kremlin nêu rõ lời kêu gọi trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với tình hình khu vực - kể từ khi xung đột tái bùng phát cuối tháng trước.

Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh yêu cầu khẩn cấp huy động các nỗ lực chung để chấm dứt xung đột sớm nhất có thể và tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Nagorny-Karabakh. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara ủng hộ một giải pháp lâu dài cho vấn đề Nagorny-Karabakh, đồng thời cho rằng Armenia "tìm cách chiếm đất vĩnh viễn".

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. 

Với vai trò trung gian của Nga, ngày 10/10, các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã nhất trí một lệnh ngừng bắn nhân đạo. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Ngày 14/10, Azerbaijan thông báo đã phá hủy những bệ phóng tên lửa bên trong lãnh thổ Armenia, được cho là phục vụ các vụ phóng nhằm vào các thành phố của Azerbaijan. Trong khi đó, phía Armenia xác nhận một số cứ điểm quân sự bên trong lãnh thổ nước này đã bị tấn công nhưng phủ nhận thực hiện các vụ tấn công vào các thành phố của Azerbaijan. Yerevan cũng cảnh báo không loại trừ khả năng tấn công các địa điểm quân sự trong lãnh thổ Azerbaijan để đáp trả. Bộ Ngoại giao Armenia sau đó cáo buộc Azerbaijan từ chối triển khai thỏa thuận ngừng bắn và đang tìm cách "mở rộng" vùng xung đột.

Xung đột tiếp diễn trên thực địa đẩy lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào tình thế mong manh, nhưng thông báo mới của điện Kremlin khẳng định 2 bên xung đột đều công nhận tầm quan trọng của việc giám sát thực hiện lệnh ngừng bắn nhân đạo mới đạt được. Nhóm Minsk - thuộc tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) - do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch, vẫn tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Thông báo ngày 14/10 của điện Kremlin cũng cho biết Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Ankara sẽ đóng góp vai trò trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng tại khu vực Nagorny-Karabakh với tư cách là một thành viên lâu dài.

Lê Ánh (TTXVN)
Giao tranh tái diễn tại Nagorny-Karabakh bất chấp lệnh ngừng bắn
Giao tranh tái diễn tại Nagorny-Karabakh bất chấp lệnh ngừng bắn

Ngày 13/10, giao tranh đã tái diễn giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh bất chấp việc các cường quốc khu vực và thế giới liên tiếp kêu gọi tuân thủ lệnh ngừng bắn mới đạt được cuối tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN