Thế rồi, có người đi thăm người nhà, đem mấy cân củ ấu về thả thử ở đám đầm gần nhà. Nào ngờ, cuối năm thu hoạch khá. Thế là bớt đói. Từ đấy, ao đầm, những nơi bùn lầy không còn nhàn rỗi nữa.
Cứ tháng 4 ấm áp, người ta thả ấu. Sau hai tháng, bén rễ thành cây mọc trên mặt nước. Từ đó, từng bụi ấu nổi bồng bềnh với những chùm lá mỏng manh. Khi trưởng thành, hoa của nó mọc ra từ những cuống nhỏ li ti trông thật hấp dẫn. Hoa ấu 4 cánh trắng tinh xen màu xanh thắm của lá như tấm thảm khổng lồ, tạo nên nét chấm phá giữa bức tranh quê dân dã, bình yên. Mỗi sáng cắp sách tới trường, chúng tôi thường dừng lại ngắm nghía những củ ấu hồng hồng đáng yêu, mong đến ngày thu hoạch ấu để đi mót. Rồi củ ấu đen dần, căng bột, thành hai chiếc sừng nên người ta gọi là ấu sừng trâu. Ngoài ra còn có loại ấu không có sừng, hình quả trám, gọi là ấu trụi.
Nhưng quê tôi trồng toàn ấu sừng trâu vừa sai vừa to củ. Ngày thu hoạch ấu, vui không kém ngày gặt hái. Chỗ nào sâu, người ta ngồi trên thuyền nan, nhấc từng cụm ấu lên, vặt củ cho vào thuyền. Nơi nào cạn hơn, người ta lội xuống thu hoạch cho vào rổ. Mỗi gốc ấu có 5, 7 củ. Nhiều người để ấu già quá nên củ rụng xuống bùn, phải mò. Có khi vừa nhấc cụm ấu lên là củ rơi tõm xuống nước. Khi chủ nhà đang thu hoạch, chúng tôi đã đem theo rổ, ngồi trên bờ hát nghêu ngao chờ tháo khoán là nhảy ùm xuống mót.
Ngày đói kém có món ấu luộc thật quý. Món ấu luộc thật bở và bùi. Khi cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức vị bùi và bở tơi, trắng ngần của ấu, bà tôi thường ngâm nga: "Thương nhau củ ấu cũng tròn". Khi trưởng thành, tôi mới hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu ca ấy về lòng bao dung, nhân ái. Ngoài luộc, nấu cháo hay chè củ ấu cũng là món khoái khẩu của lũ con nít. Ngày ấy đường hiếm hoi nên nấu chè chỉ “chạy qua hàng đường”, vậy mà vẫn ngon. Món chè ấy thỏa nỗi thèm đường của trẻ con. Có khi mẹ tôi còn giã củ ấu, trộn thêm ít bột năng rán mỡ hóa học thành món bánh rán hấp dẫn. Giờ nhớ lại những món ấy mà lưỡi vẫn "toát mồ hôi". Củ ấu còn là món quà bình dị, rẻ tiền với trẻ con quê nghèo. Đi chợ về, các bà mẹ khi thì mua mấy gióng mía tre còi cọc hay hào củ ấu cho con đỡ tủi khi mong mẹ về chợ.
Thời gian cứ êm đềm trôi, lũ trẻ chúng tôi đều đã trưởng thành. Xa quê, nhưng trong ký ức tôi vẫn tươi nguyên những kỷ niệm về mùa mót ấu, về tình bạn sáng trong!