Cứ mỗi dịp , trong khi chị em chúng tôi háo hức bao nhiêu thì mẹ tôi lại càng lo âu, buồn bã bấy nhiêu. Các nếp nhăn dường như dài hơn, sâu hơn trên gương mặt của người đàn bà một thời xuân sắc. Thời đó, Tết nào dù đói khổ bao nhiêu, ngày Tết mẹ tôi cũng luôn cho chị em chúng tôi một cái Tết ấm áp. Có lẽ mẹ thương chúng tôi sớm mồ côi cha. Dịp Tết điều mẹ quan tâm nhất là làm sao gia đình tôi có được nồi bánh chưng như các gia đình khác trong xóm. Mẹ nói “để các con không có bánh chưng ăn trong mấy ngày Tết mẹ cảm thấy có lỗi với ba các con”.
Tết năm đó, chị gái tôi nhìn mấy lon gạo nếp ít ỏi rồi hỏi mẹ tôi: “Mạ ơi, nếp năm ni ít ri có nấu bánh chưng không ạ” (nếp năm này ít thế này có nấu bánh chưng không ạ?). Mẹ tôi nhìn chị em tôi với ánh mắt đượm buồn nhưng ấm áp, rồi trả lời: “Có con ạ…” với một giọng quyết tâm! Nghe mẹ nói thế chị em tôi reo hò sung sướng, đứa nào cũng xin được mẹ gói cho “bánh con”. Chiều đó mẹ tôi âm thầm chuẩn bị lá dong, lạt giang và dặn dò chị em tôi giúp mẹ rửa lá, lau lá… tước lạt…, mẹ thì đi nhổ sắn trên nương. Chiều tối mẹ gánh về bao nhiêu là sắn, chất một góc hiên nhà. Tôi thầm nghĩ ngày Tết sao nhà tôi ăn nhiều sắn đến thế? Có được ăn cơm trắng với thịt không? Mẹ nói có cả gói bánh chưng nữa cơ mà? Tôi cứ thắc mắc tìm lời giải đáp…
Tối đó, trong khi chị em tôi ngồi sưởi ấm quanh đống lửa đót bằng mấy rễ cây khô và nô đùa, trêu chọc nhau cười như nắc nẻ thì mẹ tôi âm thầm chặt sắn và lột vỏ. Mẹ chọn những củ sắn múp, không xơ cất riêng một chỗ, hình như mẹ đang có ý định nào đó? Mẹ ngâm những củ sắn đó vào nước lạnh, nhẹ nhàng và cẩn thận. Chúng tôi đã lên giường ôm nhau ngủ mà mẹ tôi vẫn làm việc. Mẹ mài sắn. Những củ sắn trắng tinh qua bàn tay mẹ đã thành những sợi nhỏ trắng muốt… mài xong mẹ lại ngâm chúng vào nước lạnh vẫn những động tác cẩn trọng và nâng niu…
Sáng hôm sau, khi chị em tôi thức giấc thì trong nhà tôi đã có một mâm bánh chưng chưa nấu đầy chất ngất. Thì ra, đêm qua trong khi chị em tôi ngủ say thì một mình mẹ tôi âm thầm gói bánh. Tôi chợt nghĩ hay mẹ là “cô Tiên” trong truyện cổ tích có nhiều phép lạ. Hay mẹ là “cô Tấm” dịu hiền được Bụt giúp đỡ… ôi sao mẹ tài giỏi quá ! Suốt đêm mẹ không ngủ, nhưng nhìn chị em tôi reo lên sung sướng khi mỗi đứa vẫn có một cặp bánh bé xíu dễ thương như lời mẹ hứa hôm qua, gương mặt mẹ sáng lên, ngời ngời hạnh phúc.
Tối hôm ấy, tối Ba mươi Tết, sau khi được ăn một bữa khá no, chúng tôi cùng mẹ nấu bánh, canh bánh chờ giao thừa. Bên bếp lửa bập bùng, nồi “bánh chưng” sôi sùng sục, chúng tôi nũng nịu đòi mẹ kể chuyện cổ tích. Có thể nói tuy nghèo khổ và ít được học hành nhưng mẹ là một kho chuyện cổ mà tôi nghĩ không bao giờ cạn. Giọng mẹ lại nhẹ nhàng, trầm ấm nên chị em tôi rất thích. Trong ánh lửa hồng tôi nhìn gương mặt mẹ với cái miệng nhỏ xinh, lấp lánh hạnh phúc sao mà đẹp đến thế! Mẹ nói với chúng tôi rằng, hôm nay mẹ sẽ kể cho các con nghe câu chuyện về nồi bánh chưng. Nhưng không phải bánh chưng của Hoàng tử Lang Liêu, mà là bánh chưng của mẹ , của gia đình chúng ta các con nhé.
Chị em chúng tôi nghe mẹ nói thế thì rất ngỡ ngàng… Mẹ tôi nhẹ nhàng nói “Các con có muốn biết ngày xưa ba mẹ bắt đầu tình yêu của mình bằng điều gì không” chị em tôi nhao nhao “Dạ có”. Mẹ tôi tiếp lời, mười mấy năm về trước, xóm thôn vẫn rất nghèo, có thể nói còn nghèo hơn lúc này. Tết hồi đó nhiều nhà vẫn không có bánh chưng để ăn. Gia đình nội con cũng không có một nồi bánh chưng cho ngày Tết. Sau Tết năm ấy, cả mẹ và ba các con lên rừng chặt củi về bán kiến thêm tiền mua gạo. Sáng vác rựa lên rừng, xế chiều mới gánh củi xuống núi. Bữa trưa ăn cơm tại rừng, lũ bạn bè thanh niên cùng đi núi với mẹ ai mang gì ăn đó. Riêng ba con chỉ có vài khúc sắn gói trong mấy ngọn lá chuối khô. Mẹ của các con lúc này mang theo một cặp bánh chưng …đặc biệt. Mẹ xấu hổ không dám khoe với chúng bạn. Tôi hỏi mẹ “ăn bánh chưng ngon vậy, sang vậy, sao xấu hổ hả mẹ?” Mẹ tôi cười hiền hậu, bỏ thêm củi vào bếp mà rằng là vì… mẹ ấp úng… vì bánh chưng được bà ngoại gói bằng sắn con ạ”.
Đó là bánh chưng độc đáo mà vì nghèo khổ quá, muốn mẹ các con khỏi tủi thân trong dịp Tết mà ngoại các con đã làm… Và mẹ đã chia sẻ cho ba các con một chiếc bánh ấy. Cả mẹ và ba các con vừa ăn vừa nhìn nhau mà nước mắt rưng rưng. Rồi sau cái buổi ấy, tình cảm lớn dần rồi nên duyên chồng vợ. Mùi vị chiếc bánh chưng mà ba mẹ đã ăn cùng nhau năm xưa và Tết nay các con sẽ được “thưởng thức”, nó đang sôi sùng sục trước mắt mẹ con mình. Và mẹ tin rằng trong giờ phút ấm áp và thiêng liêng này ba của các con cũng đang bên mẹ con mình sum họp. Chúng tôi nhìn mẹ rồi nhìn nhau, mắt ai cũng rưng rưng.