Tuổi thơ tôi trải dài trên cánh đồng làng thân thương nằm khiêm nhường bên bờ sông Văn Úc hiền hòa.
Cách Tết dăm ngày, khi cấy hái đã hòm hòm, nhà nhà tranh thủ tát ao. Không khí nhộn nhịp bao trùm khắp xóm thôn. Thích nhất là lúc nước cạn, mặt ao đặc cá. Lũ cá trắm khoe thân hình tròn lẳn như thân cây chuối non mới mọc. Cá trê biểu diễn điệu múa bụng diệu nghệ. Các chàng chép điệu đà bởi lớp vẩy vàng óng ả. Thương nhất là những chị chép bụng chửa to kềnh, thỉnh thoảng đập nhẹ đuôi lên mặt bùn. Cá rô không chịu lép, lách rất mạnh theo dòng nước chảy xuống nong, thế là mắc vào cái rổ chắn ngang. Những chú cua đực hiếu chiến, giơ càng bự lên giương oai. Thế rồi tất cả được rửa sạch cho vào mấy chiếc rổ sồng chở xe cải tiến đem bán. Nhà nào cũng dành lại ít cá ngon ăn Tết. Bà tôi để lại mấy chú cá chép to để ăn ngày đầu năm với mong muốn con cháu học hành giỏi giang, thành đạt. Đó là tục lệ của làng, nhà ai cũng theo. Khi chủ nhà tháo khoán, lũ trẻ ào xuống “hôi". Chúng vạt từ con tép gạo đến cá cờ, thòng đong. Có đứa thích chí khi bắt được con trê "cụ" chúi sâu dưới bùn. Bao nhiêu là hạnh phúc!
Đụng lợn đón Tết cũng trở thành tục lệ ở bất cứ vùng nông thôn nào. Dăm ba nhà trong chòm xóm chung nhau một con lợn. Nhà khá thì đụng nửa con, nhà nghèo thì chung nhau một góc (1/4 con). Có nhà mua chịu chờ mùa giả bằng thóc. Dù nghèo đến đâu thì Tết đến vẫn có “thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ”. Thịt đụng làm được nhiều món mà rẻ, lại không phải chạy đôn chạy đáo. Những nhà khó khăn có thể nợ lại được một thời gian. Tình cảm giữa các gia đình thêm gắn bó. Thường vào 28 hoặc 29, người ta mổ lợn. Không gì háo hức bằng, nhất là con trẻ. Từ sáng sớm, tiếng gọi nhau í ới. Tiếng lợn kêu eng éc rộn ràng. Trẻ con hăng hái, đến sớm nhất. Chúng mang theo rổ rá lấy thịt, chiếc liễn lấy tiết canh và không quên cái nồi lấy nước xáo. Hôm ấy, trẻ con được bữa no nê, thỏa nỗi thèm thịt bao tháng ngày!
Chị em tôi mong mỏi nhất là sáng mùng 1 Tết. Sáng sớm, bà tôi mở chiếc bao tượng tơ tằm màu mỡ gà lấy tiền mừng tuổi cho con cháu, rồi thơm lên trán chị em tôi, để lại vết trầu đỏ lấy may. Chị em tôi được mỗi đứa 1 hào mới cứng. Bố mẹ tôi cung kính chúc thọ bà sống lâu trăm tuổi. Không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc trong giờ phút ấy. Tôi thấy mình lớn hơn. Chị em tôi chạy ào ra đường cùng lũ trẻ trong xóm. Chúng tôi khoe quần áo mới (dù là vải phin, giờ chỉ còn trong quá khứ).
Mẹ tôi "mừng tuổi" cho mẹ con chị trâu bó cỏ non mướt mẹ cắt ở bờ ruộng hôm trước. Chú nghé nghếch cái mõm đen như nhung nũng nịu như đòi quà Tết. Mẹ tôi âu yếm vuốt nhẹ vào cái trán có cặp sừng mới nhú bằng ngón tay của nó. Xem chừng hiểu ra, chú ngoan ngoãn đứng im. Sáng mùng 2 Tết, làng tôi mở hội rước lúa nước, tạ ơn cha Trời, mẹ Đất phôi thai sinh ra ngọc thực để dân làng có cuộc sống ấm no. Hôm sau mùng 3 Tết, nhịp sống trở lại bình thường. Người lớn ra đồng tát nước, chăm sóc cho lúa. Trẻ con học hành, giúp cha mẹ chăn trâu, cắt cỏ.
Bây giờ cuộc sống đủ đầy, Tết tư thật nhàn nhã. Nhưng trong miền ký ức trong trẻo, tôi vẫn bâng khuâng nhung nhớ những cái Tết diệu kỳ năm xưa!
Trịnh Thị Thuận