Ngày xưa, tới bữa cơm canh, mẹ cứ lui cui dưới bếp. Tay dụi mắt, tay dùng que cời, lùa từng cụm rơm vụn vào bếp. Để tiết kiệm, nhà tôi dùng rơm vụn, rơm nát làm chất đốt. Nấu bằng rơm thì cực lắm, khói áp đen nhà, mắt mũi kèm nhem, phải đứng canh vì nấu rơm thì không thể đứng dậy… dù cực vậy mẹ vẫn gom rơm vụn chất đống để dành lo cơm canh, nấu rơm được cái tro nhiều, tận dụng để bón vườn bón ruộng.
Đỡ hơn thứ rơm nát vụn là rơm không đều nắng, cọng hơi cứng, hẩm màu - thì được mẹ trưng dụng để trồng rau. Những luống đất sau khi đã được băm xới kĩ càng, gieo hạt rau xuống rồi thì sẽ rải nhẹ một lớp rơm, như thế đất sẽ giữ ẩm lâu, cây rau cứ thế mà xanh mướt.
Công dụng quan trọng nhất của rơm là thức ăn chính cho bò.
Nhà có mấy sào ruộng, ngày gặt lúa, mẹ bắt cắt thấp xuống đặng lấy rơm (cắt thấp xuống gốc hơi mệt vì sẽ lâu hết lúa nhưng được cái rơm nhiều). Rồi gặp ai mẹ cũng hỏi xin thêm rơm, đặc biệt những nhà không có bò, mẹ sẽ đăng kí đi cắt lúa, tiền công sẽ là rơm.
Muốn rơm thơm thì phải phơi nắng, có nghĩa sau khi tuốt phải ôm rơm rải ra thành từng đống từng cụm nhỏ, bởi một đống rơm to nếu ủ qua đêm thì sáng mai sẽ nóng bốc hơi, hôi ê. Sáng hôm sau phải dậy sớm, chọn một vùng rộng rãi, thường là đồng ruộng gặt rồi khô nước hoặc sân kho. Ôm rơm rải đều, rải mỏng, phải làm sao để mặt trời lên thì rơm cũng rải xong. Đến trưa nắng thì cầm cây gậy tre đi trở rơm, nghĩa là đi lật lớp rơm phía dưới lên trên để rơm được khô đều, khâu này làm hai lần.
Có mệt cũng phải canh, phải thường xuyên đi ra đi vô nhìn trời, “tháng tám ngó ra tháng ba ngó vào”, thấy có dấu hiệu muốn mưa là phải chạy sấp chạy ngửa đi gom rơm lại thành đống, đậy đằng cẩn thận. Nếu rơm đang phơi, trời mưa bất tử là công toi. Rơm đã mắc mưa rồi thì phơi lại hết thơm, nhàu nát, bò cũng khó tính lắm, rơm phơi mắc mưa hôi ê thì dí mũi vào khịt khịt, chẳng chịu ăn.
Rơm phơi đã khổ, đem về nhà vun nọc lại càng khổ. Ngày xưa làm gì có xe công nông để đỡ đần công đoạn chuyển rơm như bây giờ. Nhà ai có cộ thì đỡ không thì phải như mẹ con tôi, đem chàng (chàng là một kiểu gióng đặc biệt có các tai (tao) có thể mở rời ra nên rất tiện để chất rơm vào, sau đó níu cột 2 đầu tai lại để gánh. Vậy nên chàng là kiểu gióng chuyên dụng để gánh rơm) xuống đồng gánh về từng gánh. Rơm đem hết về nhà, phải kiếm chỗ đất cao ráo, trồng cây làm trụ và vun rơm.
Cứ ôm từng ôm rơm rải xung quanh trụ, người rải rơm phải đi qua đi lại nhiều lần để rơm chặt lại, cứ làm như thế cho đến khi đụng ngọn của trụ rồi thì lấy tấm nhựa đè phần chóp và cột lại để tránh mưa. Người đứng trên nọc rải rơm không khổ bằng người dưới đất đưa rơm lên, nọc rơm càng lên cao, đưa rơm lên càng khổ. Nhà nào ít công, mùa rơm cực lắm.
Người lớn làm rơm cực nên giữ gìn từng cọng rơm, còn bọn nhỏ nhà quê chúng tôi, thấy rơm là thích nghịch. Nghịch rơm ngoài đồng chưa đủ, rơm về nhà cũng nghịch, tai hại hơn, rơm vun lên thành nọc rồi vẫn không tha. Xóm tôi vẫn có một hai vụ trẻ nhỏ chơi lửa gần rơm, bất cẩn làm cháy cả nọc rơm rồi nên mẹ sợ lắm, chị em tôi mà dấm dúi chơi nhởi gì ngoài nọc rơm là đằng nào cũng bị mẹ lôi đầu vô, nếu lỡ dại rút ra nắm rơm để chơi thì nát đít với mẹ.
Bài học làm một giờ đốt trong một giây mẹ dạy chị em tôi từ nỗi nhọc nhằn rơm rạ. Vậy mà nỗi đời, có đôi lúc vẫn ngậm ngùi nhìn công sức tích cóp “cháy” vèo trong cái nháy mắt. Và giờ thì tôi còn cay đắng nhận ra giá trị của cuộc sống. Rơm rạ một thời nuôi sống người nhà quê, nhưng rồi mấy ai bảo rơm rạ là thứ cao quý?.