Gọi “rau của mẹ” bởi loài rau ấy có liên quan mật thiết với mẹ tôi. Mẹ bảo: Hồi “chín năm”(tức kháng chiến 9 năm 1945 - 1954), nhờ rau má mà nhà ta cầm cự qua nạn đói, còn sống đến giờ. Lý ấy giải thích vì sao mẹ luôn có cảm tình đặc biệt với loài rau má. Mà… lạ chưa, tiếng Việt miền Nam cũng gọi mẹ là má; hóa ra, cái tên tôi tự đặt để thể hiện tình riêng cuối cùng vẫn không vượt thoát nổi cái chung; lạ kì! Đương nhiên, không ai lạ lùng gì loài rau quen thuộc ấy. Từ quê đến phố, từ sang đến hèn, cấm có ai không xài rau má. Dân dã thì chế món ăn theo cơm bữa: luộc chấm mắm, nấu canh…. Điệu đàng hơn thì xay, vắt, ép lấy nước pha đường, ướp lạnh làm sinh tố, giải khát. Nước rau má làm món giải khát trong mùa nắng thì tuyệt; vừa ngon mát, vừa bổ khỏe. Theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học, rau má có tính bổ dưỡng cao, chứa nhiều vitamin, khoáng chất tối cần thiết cho cơ thể. Thế nên, trong Đông y, người ta thường dùng rau má (phối hợp cùng đậu hoặc mè đen) chế thành thuốc bổ cho người già, trẻ em và người ốm mới dậy.
Không chỉ dừng ở công dụng thực phẩm, rau má còn là một vị thuốc. Chuyện này thì cả kinh nghiệm dân gian lẫn y lý chính qui đều thừa nhận. Dân gian dùng rau má như món thuốc thanh nhiệt, giải độc và chữa các bệnh ngoài da thường hay phát do cái nóng mùa hè. Y lý chính qui thì rộng đường hơn: xem rau má như vị thuốc dưỡng âm, chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể nói chung. Cụ thể hơn, rất nhiều bài thuốc Đông y chữa bệnh thấp khớp, huyết áp, sốt xuất huyết, lợi tiểu nhuận trường v.v… có sử dụng vị rau má.
Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi luôn có ý thức tận dụng và khai thác nguồn rau má đến mức tối đa để phục vụ cho những bữa cơm đạm bạc một thời quê. Buổi đất rộng người thưa, rau má mọc hoang nhiều vô kể. Tiếng rằng “rau”, nhưng rau má sẵn sàng chấp luôn các loài cỏ dại bởi sức sống cực khỏe. Khô hạn mấy, loài rau của mẹ cũng chỉ nhỏ đi, sắt lại, bò mẹp sát đất chờ thời chứ không bao giờ chết. Nhìn những chiếc lá rau hình đồng tiền, mép răng cưa ngả vàng, quăn queo dường đang thiếp ngủ. Thế nhưng, chỉ cần đất có chút ẩm ướt là - tích tắc vài hôm - chúng đã tược lên, phủ đầu các đám cỏ dại chậm chân, xanh ngăn ngắt! Nhờ vậy mà, quê xưa, rau má có quanh năm, không bao giờ thiếu. Cứ rảnh rỗi, mẹ lại cắp rổ đi “tua” một vòng - chừng ăn xong bữa cơm - là đã có được rổ rau đầy. Ăn không hết thì mang chợ bán. Tiền không nhiều lắm; nhưng cũng đủ mua thêm vài củ khoai, dăm khúc mía hoặc tấm bánh phồng cho mấy đứa con.
Giờ thì mẹ không còn; nhưng rau má thì vẫn còn; với nhu cầu ngày càng cao hơn - đến mức người ta phải mang trồng, phun thuốc, bón phân như các loài rau “đẳng cấp”. Công bình mà nói, rau má giờ ăn ngon hơn bởi giảm vị đắng nhờ chăm bón tốt. Thế nhưng, hiệu quả dinh dưỡng và trị bệnh đang trở nên hết sức đáng ngờ do nạn… hóa chất.Biết làm sao được; ấy là cái vấn nạn chung mà cả cộng đồng đang phải đối đầu. Rau má mua ở chợ về vẫn là rau má; nhưng hình như không còn là rau của mẹ. Bưng bát canh rau, muốn tìm lại chút hương xưa mà sao lòng cứ bất an. Buồn...
Y Nguyên