Bí quyết giúp mẹ hết stress vì con trẻ lười ăn

Biếng ăn là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ, thậm chí có trẻ còn khóc, chạy trốn khi nhìn thấy bát cháo. Không ít cháu chỉ ăn cơm với nước rau, nước mắm… mà không chịu ăn thịt, cá, sữa… gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết.

Bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng sẽ cải thiện tình trạng biếng ăn và giúp trẻ phát triển tốt hơn. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Theo BS Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng, để giải quyết tình trạng biếng ăn cho trẻ cần phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp với từng trẻ.


Và điều quan trọng là trong bữa ăn, phải tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng. Tránh “đè” trẻ ra bắt ăn, tuyệt đối không nên mắng mỏ, dọa dẫm mà phải tìm hiểu xem chứng biếng ăn ở trẻ có nằm trong số nguyên nhân sau không để tìm cách khắc phục:


1. Thiếu chất


Người mẹ khi mang thai thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin... sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị thiếu ăn, suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả, trẻ sinh non tháng, thiếu cân, dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh.


Những trẻ sinh thường, đủ cân vẫn có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn. Nguyên nhân cũng do khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất dẫn tới sữa mẹ thiếu vitamin D, thiếu vitamin C, vitamin nhóm B, thiếu Magiê, đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm trẻ rất biếng ăn.


2. Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm


Thường một, hai tuần đầu ăn bổ sung, trẻ ăn rất ngon miệng nhưng sau đó sẽ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magiê bị thiếu hụt, khẩu phần ăn không cân đối với lứa tuổi.


Theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, không ít trẻ 4 tháng tuổi vẫn chưa thích ứng được với cách ăn dặm, phản xạ nuốt thìa của trẻ còn kém, hệ đường ruột của trẻ còn non nớt để tiếp nhận bột, đạm. Nhiều trẻ vì vậy đã bị đi ngoài hoặc rối loạn tiêu hóa do ăn dặm sớm.


Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi trẻ được 6 tháng tuổi mới nên cho trẻ ăn bổ sung. Thời kỳ 4 tháng tuổi chỉ là tập ăn dặm cho trẻ. Các mẹ có thể tập cho con ăn dặm bằng cách, mỗi bữa chỉ cần cho ăn 1 thìa chuối hoặc đu đủ, khoai tây luộc trộn với 1 ít sữa. Sau khoảng 1 tuần làm quen như vậy thì có thể xay bột cho trẻ ăn bổ sung.


3. Trẻ ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hóa (viêm dạ dày, viêm ruột...)


Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magiê, B6, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn.


Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hóa, nên trẻ bị chướng bụng, khó tiêu, càng dễ biếng ăn.


Nếu trẻ ở trong tình trạng này, các mẹ cần kiên nhẫn, phối hợp với các bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ nhi điều trị nguyên nhân nhiễm khuẩn trước. Đồng thời, thực hiện chế độ nuôi dưỡng riêng theo chỉ định của bác sĩ.


Lưu ý, thời gian này, cần phải bổ sung đầy đủ các vitamin và các chất khoáng như Magiê, kẽm. Đặc biệt, không được lạm dụng kháng sinh.


4. Trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng


Trong quá trình trình mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng, cha mẹ cũng cần chú ý để hỗ trợ giảm đau cho trẻ. Thực ra, lúc này trẻ rất đau, đau phát sốt và không dám ăn nhưng lâu nay, người lớn ít quan tâm đến việc giảm đau cho trẻ vì cho đó là chuyện bình thường.


5. Ăn không giờ giấc, ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn


Nếu trước bữa ăn 1 tiếng đồng hồ, trẻ được ăn 1 gói bim bim, 1 chiếc kẹo, que kem hay uống một lon nước ngọt thì đó chính là nguyên nhân khiến bé chán ăn cháo hoặc cơm. Bởi khi ăn đồ ăn nhất là đồ ngọt, lượng đường huyết sẽ tăng cao trong máu dẫn tới tình trạng bé không muốn ăn dù bụng chưa no lắm.


“Không nên cho trẻ uống nước ngọt có gas vì chỉ cung cấp năng lượng rỗng, thiếu các vi chất cần thiết và gây tình trạng béo phì. Trẻ uống nước này nhiều cũng sẽ giảm các loại nước dinh dưỡng khác như sữa, hoa quả tươi. Cafein trong nước ngọt còn làm giảm khả năng tập trung, ở tất cả các trường quốc tế họ cấm trẻ uống nước ngọt có ga trong giờ nghỉ giải lao vì trẻ sẽ sao nhãng, ảnh hưởng đế kết quả học tập”, TS. BS Pham Thị Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng, nhấn mạnh.


6. Trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý


Khi bị ốm, mọc răng... trẻ dễ bị biếng ăn. Khi trẻ chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong ăn nên bị quát mắng.Thậm chí, có mẹ bực quá còn đánh con khiến các cháu sợ ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, khóc, buồn nôn; trẻ lớn hơn thì chạy trốn. Một số cháu không ăn để “chống đối” cha mẹ.


Vì vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý, tránh việc cáu gắt, đánh con khi ăn, nhất là trong hoặc sau khi trẻ có vấn đề về sức khỏe. Mẹ không nhất thiết nhồi ép bắt trẻ ăn đủ từng bữa nhưng cần cố gắng cho trẻ ăn đủ số lượng thức ăn trong ngày (lấy bữa nọ bù bữa kia).


Khi trẻ lớn hơn, hãy kể những câu chuyện ngộ nghĩnh về thức ăn và màu sắc của thức ăn rau xanh, bí đỏ, cà rốt, màu vàng của trứng, mầu nâu của tôm, cua… Đồng thời, chú trọng đến việc chế biến, tạo mùi vị, hình thức hấp dẫn, thay đổi món ăn để trẻ hứng thú hơn với bữa ăn.


Phương Liên/Báo Tin Tức (ghi)
Mùa hè, trẻ khám biếng ăn, suy dinh dưỡng tăng đột biến
Mùa hè, trẻ khám biếng ăn, suy dinh dưỡng tăng đột biến

Thời tiết oi bức, lại "đỏng đảnh" thay đổi thất thường nên càng khiến trẻ nhỏ lười ăn. Đây cũng là lý do vì sao những ngày này, trẻ khám do biếng ăn, suy dinh dưỡng tăng đột biến tại Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện dinh dưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN