“Khi vay vốn, các tổ chức tín dụng – TCTD phải đánh giá tín nhiệm để đưa ra mức lãi suất, lãi cho doanh nghiệp tín nhiệm thấp phải cao hơn so với doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Theo Thống đốc NHNN, điều hành lãi suất và giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. Trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành chính sách lãi suất chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Lạm phát đang có xu hướng toàn cầu, ngân hàng Trung ương các nước đều có xu hướng tăng lãi suất, từ năm 2021 có khoảng 100 lượt tăng lãi suất và 5 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng Trung ương cũng tăng khoảng 135 lượt tăng lãi suất.
Tại Việt Nam, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp và người dân đã sản xuất kinh doanh quay trở lại nên nhu cầu tín dụng tăng lên đến 8%. Đây là mức khá cao so với mục tiêu định hướng của cả năm 2022 là 14%. "Áp lực lớn nhưng NHNN đã điều tiết, cơ bản ổn định mặt bằng lãi suất, chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái", “tư lệnh” ngành Ngân hàng cho biết.
Trong nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm của Chính phủ là thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều hành lãi suất, NHNN cũng cần điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả công cụ khác. Ngân hàng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động để giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn.
Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong 2 năm qua, tổng lãi suất giảm trong hệ thống ngân hàng khoảng 47.000 - 48.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.