Trước đó, lúc 9 giờ 22 phút sáng, VN-Index tăng 7,17 điểm và leo lên vùng giá kỷ lục mới. Trong khi đó, VN30-Index tiến 6,91 điểm, HNX đi lên 4,89 điểm. L14 là mã đóng góp lớn nhất cho điểm số tăng của HNX-Index. Cổ phiếu này đang trải qua đợt tăng giá thẳng đứng từ vùng 90.000 đồng/cổ phiếu lên đến 264.700 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Trong phiên sáng, cổ phiếu ngành ngân hàng xanh đều, chỉ duy nhất 1 cổ phiếu giảm giá tính đến 10 giờ 39 phút là SSB (-0.4%). Nhóm cổ phiếu tăng giá nổi bật có EIB (+4.4%), LPB (+3.7%), OCB (+4.5%), TCB (+3.5%), STB (+3.2%). Có thể nói, ngành ngân hàng đang gồng gánh cả thị trường.
Tính đến 10 giờ 48 phút, trong nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index thì đến 7 mã thuộc ngành ngân hàng. Chiều ngược lại, ngành vốn bay cao trong những ngày gần đây là bất động sản lại tạo áp lực lên thị trường chung. VIC, NVL, VHM lần lượt là những cái tên kéo giảm nhiều điểm số nhất đối với VN-Index.
Tuy nhiên, càng về cuối phiên áp lực chốt lãi càng tăng và diễn ra trên diện rộng khiến nhiều mã ngân hàng đang tăng bỗng chốc giảm mạnh và ở chiều ngược lại, bất động sản đang giảm lại quay đầu tăng. Điều này đã khiến các nhà đầu tư hối tiếc vì đã vội vã mua cổ phiếu ngân hàng trước đó, trong khi nhanh chóng chốt lãi cổ phiếu bất động sản. "Cú lừa" ngoạn mục này khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi vừa mua đuổi cổ phiếu ngân hàng thì nhóm này đã xẹp đi nhanh chóng.
Tại thời điểm 11 giờ, Vn-Index mất đi 10 điểm. Như vậy, chỉ trong phiên sáng nay, từ việc tăng 10 điểm lên quá 1.460 điểm ngoạn mục, Vn-Index đã đảo chiều giảm ngoạn mục không kém. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi "sập", thị trường cũng đã hồi phục nhanh chóng khiến nhà đầu tư trở tay không kịp.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,56 điểm còn 1.447,9 điểm; HNX-Index giảm 0,81 điểm còn 423,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường phiên sáng là hơn 1.091 triệu cổ phiếu, tương đương 29.634,94 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán - tài chính, tâm lý nhà đầu tư trong phiên sáng nay chưa bao giờ lạc quan hơn thế. Dòng tiền đẩy mạnh mua cổ phiếu bất động sản và cuối phiên hôm qua (2/11), đầu phiên hôm nay (3/11), dòng tiền đã quay về mua thêm cổ phiếu ngân hàng.
Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp thời gian gần đây đã mang dần "của để dành" đem ra bán và thu về lượng tiền mặt khổng lồ chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh mới. Điều này cũng kích thích dòng tiền đổ về cổ phiếu của các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán BVSC, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB – sàn HOSE) là ngân hàng hàng đầu trong hệ thống với chất lượng tài sản vượt trội. Trong ngắn hạn, dù đang gặp phải những khó khăn nhất định do tình hình dịch bệnh nhưng với chất lượng tài sản tốt, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm (ngoại trừ 2020) cũng như liên tục duy trì hiệu quả hoạt động cao. Vì thế, VCB nhiều khả năng sẽ tăng tốc tăng trưởng trong năm tới nhờ nền kinh tế phục hồi cũng như VCB đã trích lập dự phòng mạnh mẽ tạo ra bộ đệm lợi nhuận. Vì vậy, BVSC khuyến nghị nên mua cổ phiếu VCB với mức giá mục tiêu là 114.200 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng thị trường có thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch kế tiếp và VN-Index có thể xác lập mức đỉnh kỷ lục mới. Đồng thời, chỉ số VN30 có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.536 điểm và đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, cho thấy chỉ số VN30 có thể sẽ chưa thể vượt được ngưỡng kháng cự 1.536 điểm.
Điểm tích cực là dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho nên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền chưa rút ra khỏi thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng gần vùng lạc quan quá mức cho thấy chiến lược chủ đạo trong ngắn hạn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.
Còn công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường đã nhanh chóng vượt qua phiên rung lắc hôm qua bằng phiên tăng mạnh mẽ và lập mức cao mới. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE trong hai phiên vừa qua đạt gần 60.000 tỷ đồng là con số “khủng”, các nhịp rung lắc trong phiên đều diễn ra ngắn và nhanh chóng quay lại xu hướng tăng cho thấy thị trường có nhiều dấu hiệu khỏe. Tuy vậy, dòng tiền vẫn chọn nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là chủ đạo, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản đóng vai trò dẫn dắt.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì cho rằng, mặc dù có thể xuất hiện các nhịp rung lắc trong quá trình đi lên, cơ hội vượt cản của chỉ số đang có phần chiếm ưu thế với vùng hỗ trợ gần quanh 1.415 - 1.425 điểm. Nhà đầu tư có thể tiếp tục quay vòng, mở lại vị thế trading ngắn hạn khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ đã đề cập nhưng cần khống chế tỷ trọng tổng tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.