Năm 2019 dự báo ít mưa hơn bình thường, lượng nước từ thượng nguồn về sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên mực nước trên sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, chênh lệch mực nước lớn, nên dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực được cảnh báo sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang là rất cao, nhất là các đoạn sông được cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm.
Do đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, cảnh báo người dân, thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực, đoạn cua, cong; cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở; có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, di dời người dân khỏi nơi sông yếu...
Với phương châm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang yêu cầu Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương triển khai ngay các dự án xử lý sạt lở khẩn cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là 5 dự án đặc biệt khẩn cấp gồm: Dự án xử lý sạt lở bờ sông Hậu khu vực Vàm Nao (thuộc huyện Chợ Mới); kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn từ Cần Xây đến nhà máy thủy sản Giang Long (thành phố Long Xuyên); kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn từ xã Châu Phong, đoạn qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; kè chống sạt lở sông Tiền bảo vệ khu vực dân cư thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân và dự án Nâng cấp hệ thống đê cấp III vùng Đông kênh Bảy Xã (thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018 với tổng kinh phí 325 tỷ đồng, từ nguồn dự phòng ngân sách của Trung ương năm 2018.
Ủy ban nhân dân các địa phương nhanh chóng có phương án sắp xếp dân cư ổn định cuộc sống cho người dân khu vực sạt lở, trong đó chú ý đến các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định; tiếp tục chủ động cấm phương tiện có tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở, có nguy cơ lạt lở cao; cắm biển cảnh báo sạt lở và hướng dẫn tuyến giao thông thay thế đảm bảo giao thông thông suốt không bị tắc nghẽn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi, quan trắc, khảo sát các đoạn sông xảy ra sạt lở để kịp thời thông báo, cảnh báo đến chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn; nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để triển khai các dự án điều hòa dòng chảy; chú ý phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện chấn chỉnh và siết chặt, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép; nghiên cứu và triển khai nhanh hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động ở An Giang.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát chi tiết các đoạn sông đã được cảnh báo sạt lở, đề xuất các giải pháp công trình để gia cố, hạn chế sạt lở...
Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, đề xuất Ủy ban nhân nhân tỉnh các giải pháp, quy định, quy chuẩn, tiêu chí về phương tiện và hoạt động giao thông thủy, bộ, phân luồng giao thông thủy, bộ hợp lý để hạn chế tác động gây sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở, phục vụ địa phương quy hoạch dân cư, giao thông.
Sở Xây dựng tham mưu chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hỗ trợ địa phương xây dựng tiêu chí và quy chế quản lý xây dựng, thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại công văn số 31/UBND-ĐTXD ngày 11/1/2016; khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở…
Theo báo cáo quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 51 đoạn bờ sông được cảnh báo sạt lở với chiều dài hơn 160.000m; trong đó có 5 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 14 đoạn ở mức độ trung bình.
Qua thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 57 vụ sạt lở, trong đó có 34 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh rạch chính và 23 điểm sạt lở đê bao kết hợp giao thông kênh rạch nhỏ làm mất 10.670m2 đất với chiều dài sạt lở là 2.653m, 122 nhà dân bị ảnh hưởng phải di dời. Ước tổng thiệt hại về đất và tài sản hơn 5,2 tỷ đồng.