Khoảng 7 giờ ngày 21/7, tuyến đê Bắc Cây Dương, tại khu vực tổ 30, ấp Chánh Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú đã xảy ra sạt lở, sụt, lún mặt đường kéo dài khoảng 110 m, ăn sâu từ phía bờ kênh vào mặt đường khoảng 8 - 10 m, có nơi ăn sâu vào 1/3 nhà dân. Qua thống kê, 14 hộ dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có 4 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vào khoảng 4 giờ 30 phút, ngày 20/7, khu vực bờ sông rạch Cái Sắn, thuộc khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, xảy ra hiện tượng nứt đường, có nguy cơ sạt lở cao. Đến 22 giờ cùng ngày, đoạn đường này đã sạt lở với chiều dài 45 m, sâu 5 m, rộng 4,5 m khiến 4 hộ dân bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân xảy ra sạt lở tại tuyến đê Bắc Cây Dương bước đầu được xác định là do nền đê và đường yếu, phương tiện giao thông thủy, bộ nhiều, tải trọng lớn, gây tác động lên đê kết hợp tác động dòng chảy và dòng thấm do mưa, gây sạt lở. Sạt lở rạch Cái Sắn là do khu vực nằm trên cua cong, tác động của dòng chảy, nhiều phương tiện thủy lưu thông, quay đầu, làm dòng nước tác động mạnh vào phía bờ An Giang gây xói bờ, dẫn đến sạt lở.
Hai vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên sạt lở tuyến đê Bắc Cây Dương gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, khiến 14 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 4 căn mái hiên nhà bị sụt, lún từ 0,1 m đến 0,3 m. Sạt lở rạch Cái Sắn làm hai căn nhà rơi hoàn toàn xuống sông, hệ thống giao thông bị chia cắt.
Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết: Sau khi xảy ra sạt lở, UBND tỉnh An Giang cùng các sở, ngành có liên quan và UBND thành phố Long Xuyên, huyện Châu Phú đã tiến hành khảo sát thực địa, đề xuất phương hướng xử lý và thực hiện một số biện pháp khắc phục, ngăn nguy cơ tiếp tục sạt lở tuyến đê Bắc Cây Dương và khu vực bờ sông rạch Cái Sắn.
Thành phố Long Xuyên, huyện Châu Phú đã vận động hộ dân lân cận có nguy cơ sạt lở di dời tài sản, vật dụng gia đình để đảm bảo an toàn; căng dây cảnh báo sạt lở, lắp đặt biển báo tạm, bố trí lực lượng trực, đồng thời tiếp tục theo dõi để cảnh báo cho người dân biết không đi vào khu vực này.
Đối với hai khu vực bị sạt lở trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đang tiến hành quan trắc lòng sông để đánh giá diễn biến sạt lở, từ đó có phương án xử lý thích hợp.