Theo ông Sato Yoshio, Giám đốc Cục Lao động, Thương mại và Công nghiệp tỉnh Hiroshima, Hiroshima có thế mạnh trong lĩnh vực xử lý môi trường và tỉnh mong muốn Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ làm cầu nối để kết nối các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu trong lĩnh vực này với các doanh nghiệp của tỉnh Hiroshima.
Để triển khai, đại diện tỉnh Hiroshima đề xuất sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (dự kiến vào tháng 9/2017).
Hội thảo sẽ giới thiệu những nỗ lực của tỉnh Hiroshima trong lĩnh vực xử lý môi trường, những công nghệ liên quan đến môi trường của các doanh nghiệp Nhật Bản và tổ chức kết nối doanh nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp của Hiroshima, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, tập trung vào các lĩnh vực như máy lọc nước loại nhỏ, hệ thống khử mặn nước biển, phân hữu cơ tái chế, khảo sát môi trường, xử lý nước thải nhà máy, lọc nước ao nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, việc xử lý nước thải trong nuôi cá tra và xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn ở nông hộ là vấn đề Cần Thơ đang quan tâm. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang cần các thiết bị xử lý bùn và rác thải, bởi hiện nay Cần Thơ có nhiều bãi rác chôn lấp đang cần công nghệ xử lý.
Trong tháng 6/2017, đoàn công tác của Việt Nam gồm đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng cùng các đơn vị có liên quan sẽ có chuyến thị sát doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng liên quan đến môi trường của tỉnh Hiroshima.