Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, Bến Tre có lượng nước ngọt từ ba con sông lớn cung cấp nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng rừng dừa xanh tốt, kết hợp nắng gió dồi dào tạo điều kiện để hấp thụ carbon tốt nhất. Sau nghiên cứu ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm cho thấy, cây dừa ở Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể.
Cụ thể, với 1 ha dừa ở độ 4- 10 năm tuổi có khả năng hấp thụ 24,52 – 75,24 tấn CO2 (giống dừa cao) và 20,45 - 69,91 tấn CO2 (đối với giống dừa thấp). Ngoài ra, nếu dưới tán dừa, nông dân có trồng thêm một số cây trồng khác như ca cao, rau màu... có thể gia tăng khả năng hấp thu carbon.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn ước tính: hiện nay, giá bán tín chỉ CO2 thấp nhất là 5 USD/tấn CO2, nếu có minh chứng, Bến Tre sẽ thu về 9,75 - 29,25 triệu USD.
Ông Lê Anh Tuấn thông tin thêm, Việt Nam đã cam kết với thế giới tại COP26 (Glasgow, Scotland) là sẽ tiến đến NetZero vào năm 2050, với xu hướng hàng hóa xuất khẩu sẽ bị đánh thuế theo mức thải carbon. Vì vậy, chiến lược giảm phát thải và tăng cường khả năng lưu trữ carbon, đặc biệt qua rừng và cây trồng là cần thiết cho sự phát triển kinh tế - môi trường – xã hội bền vững.
Hơn nữa, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Đây là cơ sở ban đầu cho việc mở ra triển vọng bán tín chỉ carbon trên các vườn cây lâu năm; trong đó có các vườn dừa ở Bến Tre.
“Tỉnh Bến Tre cần có những điều tra sâu rộng hơn khả năng tích giữ carbon trên toàn bộ địa bàn tỉnh, cả cây dừa và các loại cây nhiều năm khác, tiến đến có những chứng chỉ carbon và xúc tiến việc thương mại hóa các tín chỉ này như một nguồn lợi về kinh tế” - Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất.
Theo các nhà chuyên môn, ngoài 78.000 ha vườn dừa, Bến Tre còn có khoảng 25.000 ha vườn cây ăn trái và gần 7.000 ha rừng ngập mặn có tiềm năng về nguồn cung ứng tín chỉ carbon.
Nhận định ngành nông nghiệp rất có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon, cũng như hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã, đang tập trung để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có để giảm phát thải, khoanh nuôi phục hồi rừng để nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon; chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường carbon đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với cây dừa và cây lâu năm…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chính sách để thúc đẩy ngành dừa phát triển và giữ vững vị thế, xứng đáng là cây công nghiệp chủ lực của quốc gia. Đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, gắn với chứng nhận mã số vùng trồng để duy trì diện tích sinh khối và tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng của tỉnh tham gia thị trường carbon tập trung cho đối tượng cây dừa, cây ăn trái, rừng ngập mặn ven biển, chăn nuôi nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh tham gia thị trường carbon.