Theo đó, khu vực bị sạt sở cần áp dụng tình huống khẩn cấp để xử lý gồm hơn 25.000m cửa biển, bờ biển và hơn 1.200m bờ sông. Trong số này có Dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) với chiều dài 4.500m.
Theo nhận định của UBND tỉnh Cà Mau, trên đoạn cửa biển Vàm Xoáy tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ trung bình mỗi năm mất từ 80-100m, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu vào bờ.
Hiện nay tình trạng sạt lở tại khu vực diễn biến đặc biệt nguy hiểm, nhất là vào cao điểm của mùa mưa bão, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư tập trung tại khu vực xã Đất Mũi, trụ sở UBND xã Đất Mũi, Đồn Biên phòng Đất Mũi; có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao và điện trung thế, trạm y tế, trường học trong khu vực…
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng quyết định xây dựng khẩn cấp kè chống xói lở cửa biển Rạch Gốc, Hóc Năng (huyện Ngọc Hiển), Hố Gùi (nằm trên địa bàn hai huyện Năm Căn và Đầm Dơi).
Cũng theo quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt quyết định xây dựng kè chống sạt lở bờ biển đoạn từ Kênh Năm - Kênh Chùm (thị trấn Rạch Gốc và xã Viên An Đông), Kênh Chốn Sóng - Kênh Năm Ô Rô (xã Viên An), Kênh Năm Ô Rô - Kênh Năm (xã Đất Mũi) thuộc huyện Ngọc Hiển và dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống xói lở khu dân cư thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn).
Theo đánh giá chung, những vị trí sạt lở này hiện đã đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, khu hành chính, công trình giáo dục, y tế, Quốc lộ 1A (đường Hồ Chí Minh) và đai rừng phòng hộ; đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Để thực hiện tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện nêu trên khoanh vùng khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Đồng thời, lựa chọn giải pháp và tổ chức khảo sát, lập các thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi có trách nhiệm vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để kịp thời ứng phó...
Trước đó, theo kết quả rà soát, cập nhật tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra từ ngày 2 - 12/8, tổng thiệt hại về tài sản tại Cà Mau hơn 51,4 tỷ đồng. Cụ thể, thiên tai đã làm chìm tám phương tiện; sập 195 căn nhà và một trường học; ngập gần 2.400 căn nhà; thiệt hại hơn 143 ha nuôi thủy sản… Mưa lớn kèm giông lốc, triều cường, sóng to, gió lớn trên biển cũng làm một người chết (do sập nhà), hai người bị thương (do sét đánh).
Từ đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ tỉnh hơn 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện công tác hỗ trợ về dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất. UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để thực hiện khẩn cấp các tuyến kè bảo vệ đê và sản xuất của người dân.