Kết quả xếp hạng năm 2020 và đợt 1/2021, tỉnh có 77 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Đợt này, tỉnh có 24/24 sản phẩm đủ điều kiện đạt sản phẩm 3 sao, lũy kế tổng số sản phẩm OCOP của Cà Mau đến nay có 101 sản phẩm.
Hội đồng đã tổng hợp, đánh giá các tiêu chí và phân hạng cho 24 sản phẩm đủ điều kiện đạt chứng nhận 3 sao gồm: bánh phồng tôm (hộ kinh doanh Lê Kim Tuyền); bánh phồng tôm, tôm khô, mắm tôm chua (Công ty TNHH Con Tôm); bưởi da xanh (Hợp tác xã cây ăn trái sạch Khánh Hưng); cá khô đù một nắng, mắm tép 9 Thúy (Hợp tác xã Nông Thịnh Phát); khô cá lù đù, khô cá mào gà, chả cá mào gà (Hợp tác xã Mắm Cá Mào Gà); tôm khô (Hợp tác xã Trúc Phương); tôm khô, tôm thẻ khô, tôm sấy giòn (Hợp tác xã Minh Đức); ba khía trộn sẵn, riêu ba khía, mắm tôm chua ngọt (Hợp tác xã ba khía Đầm Dơi); chả cá phi (Hợp tác xã chả cá phi Thùy Linh); ruốc sấy (Hợp tác xã Hương Biển); khô trâu một nắng, khô bò, bắp bò ngâm nước mắm, bò viên, chả lụa bò (Hộ kinh doanh Thúy Lực). Trong đó, sản phẩm ba khía trộn sẵn và mắm tôm chua ngọt của chủ thể Hợp tác xã ba khía Đầm Dơi đạt điểm cao nhất với 62 điểm.
Theo Hội đồng đánh giá, đến nay nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được trưng bày và tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng, đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Phần lớn sản phẩm OCOP tại địa phương được kết nối trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com, voso.vn, postmart.vn, Lazada, Alibaba, Amazon, Facebook, Zalo… Một số sản phẩm còn xuất khẩu sang các thị trường Canada, Australia, Singapore, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, hơn 30% sản phẩm OCOP của tỉnh có doanh thu tăng từ 5 - 8%, giá bán sản phẩm tăng bình quân từ 5 - 20% và chưa có sản phẩm nào vi phạm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, sản phẩm OCOP Cà Mau được đánh giá đa dạng về thiết kế, mẫu mã, bao bì... và được ưa chuộng để làm quà tặng cho du khách.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử lưu ý trong thời gian tới, cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu chương trình để thu hút, khuyến khích ngày càng nhiều sự tham gia của các chủ thể tiềm năng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các chủ thể trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cập nhật sản phẩm vào trang web OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử, nơi trọng điểm du lịch nhằm quảng bá cho người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Đồng thời, nâng cao vai trò kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các chủ thể khâu tổ chức sản xuất, quảng bá xúc tiến thương mại. Đối với các chủ thể, chú trọng đổi mới mẫu mã bao bì, công nghệ chế biến, thông tin truy xuất nguồn gốc; từng chủ thể đã được công nhận có kế hoạch nâng hạng sản phẩm, thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo các cấp, ngành chức năng không nóng vội, không chạy theo thành tích, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân mà nòng cốt là đội ngũ chuyên gia hướng dẫn, vai trò của các tổ chức kinh tế, chủ thể trong sản xuất cũng như thực hiện các mô hình...