Qua tổng hợp kết quả chấm điểm sơ bộ của các thành viên Hội đồng thống nhất đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với 26 sản phẩm đều đạt trên 50 điểm, đủ điều kiện trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tính chung cả 2 đợt trong năm 2021, toàn tỉnh có 44 sản phẩm của 25 chủ thể ở các huyện, thành phố trình Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong số đó, nhiều nhất là huyện Đầm Dơi với 13 sản phẩm; huyện Cái Nước 12 sản phẩm; ít nhất là huyện Phú Tân trình 2 sản phẩm và huyện Ngọc Hiển 2 sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, tất cả sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đợt này là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và chứa đựng những nét văn hóa, thế mạnh của từng địa phương, có khả năng mở rộng, liên kết để mở rộng quy mô.
Phó Chủ tịch đề nghị các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ các địa phương, hướng dẫn chủ thể hoàn thiện thêm chất lượng sản phẩm, tiếp tục đầu tư trong khâu thiết kế, trình bày mẫu mã bao bì sản phẩm; quan tâm tới mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, chủ thể cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các kênh thương mại điện tử.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, khẳng định, đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau có tổng số 77 sản phẩm được công nhận OCOP. Để đạt được kết quả này là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của tất cả các Sở, ngành, địa phương.
“Tuy nhiên, các đơn vị liên quan cần chú trọng hơn đến tuyên truyền, vận động, giới thiệu chương trình để thu hút, khuyến khích ngày càng nhiều sự tham gia của các chủ thể tiềm năng mới. Các đơn vị liên quan tạo điều kiện để các chủ thể trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cập nhật sản phẩm vào trang web OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử, trọng điểm du lịch để quảng bá đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò kinh tế tập thể nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác, đẩy mạnh tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực của các chủ thể về mọi mặt, tổ chức sản xuất, quảng bá xúc tiến thương mại. Đồng thời, các chủ thể chú trọng đổi mới mẫu mã bao bì, công nghệ chế biến, thông tin truy xuất nguồn gốc, tập trung khuyến khích quá trình sản xuất,... Từng chủ thể đã được công nhận có kế hoạch nâng hạng sản phẩm, thúc đẩy xúc tiến thương mại”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý.
Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP với mục tiêu, phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm; công nhận ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận OCOP năm 2020 từ 3 sao lên 4 sao và có 94 sản phẩm của 66 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đến thời điểm cuối tháng 8, qua rà soát các địa phương chỉ đăng ký 46 sản phẩm của 27 chủ thể; trong đó, kết quả đợt 1 có 18 sản phẩm của 11 chủ thể, số còn lại tham gia đánh giá trong đợt 2.