Thường xuyên có mặt tại đường Trần Văn Hoài, thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều để mua thực phẩm, phóng viên nhận thấy nơi đây có tới 7 sạp bán hàng theo mô hình “mang chợ ra phố”; trong đó, có từ 4-5 điểm bán hàng rau, củ, quả. Hàng hóa được bày bán trên vỉa hè và được chủ các điểm bán hàng giăng dây, bố trí nước rửa tay diệt khuẩn để phòng, chống dịch khá tốt. Phần lớn hàng hóa đã được đóng gói hoặc buộc sẵn thành các loại từ 1-2 kg để tiện cho người mua.
Hầu hết các loại rau, củ, quả ở đây có mức giá bán thấp nhất từ 20.000 đồng/kg và cao nhất 50.000 đồng/kg.Nhiều khách hàng vẫn chấp nhận và cho rằng, giá cả cao hơn ngày thường, nhưng thời dịch COVID-19 có được hàng để mua là tốt.
Theo anh Tâm, nhân viên một điểm bán rau tại đường Trần Văn Hoài, nguyên nhân giá bán rau màu các loại hiện tại cao hơn ngày thường là do nguồn cung bị hạn chế về số lượng và chủng loại, chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng tăng cao nên giá bán phải tăng theo.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho hay, tuy giãn cách, nhưng thành phố Cần Thơ vẫn đang có 9 siêu thị và 129/140 cửa hàng tiện ích bán online. Từ đó, bảo đảm cung ứng đủ các loại hàng thiết yếu cho người dân như: gạo, trứng, mì gói, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả tươi.
Ngoài ra, Viettelpost Cần Thơ, VNPT Cần Thơ, Co.opmart cũng phối hợp với Sở Công Thương Cần Thơ mở thêm 8 điểm bán hàng lưu động. Mỗi điểm bán hàng đều có treo bảng giá, rào giãn cách và chai sát khuẩn. Người mua xếp hàng giãn cách theo quy định với sự giám sát của lực lượng bảo vệ do chính quyền địa phương cử ra hàng ngày.
Nhờ cách làm này, việc cung ứng hàng hóa ở Cần Thơ trong thời gian giãn cách, trừ mấy ngày đầu có lúng túng vì thiếu chợ truyền thống, nay đã trở lại tình trạng “bình thường mới” với cách đi chợ theo phiếu chẵn, lẻ của các hộ gia đình nhằm tuân thủ quy định “5K” trong phạm vi từng phường, xã.
Theo báo cáo từ Sở Công Thương Cần Thơ, hiện bình quân mỗi ngày lượng hàng hóa thiết yếu được nhập về phục vụ nhu cầu của gần 1,2 triệu người dân Cần Thơ với khối lượng gần 90.000 tấn thực phẩm các loại gồm: thịt lợn, gia cầm, trứng, thủy hải sản và rau củ quả...
Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho rằng, nhìn chung tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại 9 quận, huyện ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả một số mặt hàng ổn định. Mô hình “mang chợ ra phố” đã góp phần hạn chế người dân tập trung mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Ở một diễn biến khác, hiện nhiều hộ dân tại các quận, huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền... trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm khó tiêu thụ do không có thương lái đến tìm mua.
Các loại nông sản, thủy sản, rau màu, cây ăn trái... hiện nay của nông dân chỉ tiêu thụ được thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để phục vụ cho các khu vực trung tâm thành phố, các khu cách ly, khu phong tỏa, các nhà ăn tập thể. Hoặc, làm từ thiện cung cấp miễn phí cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Một số khác cung cấp cho tiểu thương để bán lại cho người dân tiêu dùng nhưng số lượng không nhiều.
Những hộ nông dân trồng dâu, nhãn, chôm chôm, chanh, hạnh,... ở các quận Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai... mặc dù đã đến thời kỳ cho thu hoạch nhưng do tình hình dịch bệnh, không có hoặc có rất ít thương lái hỏi mua.
Giá nhãn, chôm chôm được nông dân bán tại vườn với số lượng nhỏ lẻ cũng chỉ trên dưới 8.000 đồng/kg trong khi giá trước đây từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Riêng đối với trái dâu, tiền bán không đủ để thuê nhân công thu hoạch, nhiều hộ nông dân ở huyện Phong Điền ngậm ngùi để dâu chín rụng đầy vườn.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, giá bán nông sản cũng giảm so với trước đây từ 10 - 50% tùy loại. Nhưng, người dân vẫn tiêu thụ được mặc dù chậm.
Tuy vậy, hiện vẫn tồn một số lượng khá lớn các loại nông, thủy sản như: cá tra khoảng 400 tấn do nhiều doanh nghiệp chế biến ngừng hoạt động; dâu 250 tấn, rau màu khoảng 65 tấn, nhãn 109 tấn; chanh, chôm chôm và các loại cây ăn trái khác, mỗi loại từ vài chục đến 100 tấn.
Để giúp người dân tiêu thụ nông sản, theo ông Nhơn, ngành nông nghiệp thành phố phối hợp với Sở Công Thương tổ chức giới thiệu sản phẩm, chủng loại, số lượng nông sản còn tồn đọng cần tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử đến với các siêu thị, doanh nghiệp, các điểm bán hàng bình ổn, các nhà hảo tâm để giúp tiêu thụ sản phẩm cho người dân...